Giải quyết “gốc rễ” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khả năng tiếp cận vốn
Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trên 10% mỗi năm Doanh nghiệp chịu thua thiệt khi làm việc với ngân hàng Doanh nghiệp vẫn kêu khó về việc vay vốn kèm hợp đồng bảo hiểm |
Hiện cả nước có khoảng 800 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động. Tuy nhiên, do đặc thù quy mô nhỏ nên còn gặp nhiều khó khăn, thiếu kinh nghiệm quản trị điều hành doanh nghiệp, thông tin tài chính kém minh bạch khi thường tồn tại nhiều hệ thống báo cáo tài chính, khả năng cạnh tranh không cao… nên khó tiếp cận nguồn vốn vay để bổ sung vốn lưu động và đầu tư cho máy móc, công nghệ.
Hơn nữa, theo các doanh nghiệp, trước bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm.
Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Ảnh: HD |
Chia sẻ thêm về vấn đề này tại Hội thảo về các giải pháp vốn – tín dụng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) tổ chức vào chiều 24/8/2023, ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho hay, doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá có khả năng phát sinh rủi ro cao nên để cân bằng giữa rủi ro và lợi ích thu được khi cho vay thì các tổ chức tín dụng thường áp dụng mức lãi suất cho vay cao hơn, từ đó ảnh hưởng đến áp lực trả nợ của doanh nghiệp.
Từ những khó khăn này của doanh nghiệp, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, hiện các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay nhưng phải đi kèm với giảm điều kiện cho vay, cơ cấu lại các khoản vay cũ để doanh nghiệp đỡ gánh nặng chi phí.
Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp. Hiện tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15-20% số lượng vay vốn, doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm. Về điều kiện cho vay, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, ngân hàng có thể giảm bớt đến 50% điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản.
Tuy nhiên, vị này nhận định, “gốc rễ” của vấn đề cần giải quyết là thị trường, tăng tổng cầu, các doanh nghiệp phải được hỗ trợ về đầu ra để có nguồn thu trả nợ ngân hàng. Vì thế, các chính sách về thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hay các chương trình xúc tiến thương mại cần được thúc đẩy hơn nữa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải tích cực tham gia tái cấu trúc hoạt động để phù hợp với bối cảnh thị trường.
Còn theo đại diện SHB, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường hoạt động đơn lẻ, khi xây dựng phương án kinh doanh chưa đưa ra được phương án kinh doanh khả thi nên khó cho vay, nhất là nếu thiếu tài sản đảm bảo. Vì thế, các doanh nghiệp cần có những thay đổi để hoạt động kinh doanh được chuyên nghiệp và minh bạch hơn, từ đó cũng tạo niềm tin để các ngân hàng chấp nhận cho vay.
Đồng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh khuyến nghị, muốn vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần cung cấp hồ sơ, lịch sử thanh toán, công nợ, có đối tác uy tín hợp tác lâu dài thì sẽ được ưu tiên.
Về phía các ngân hàng, thực tế cho thấy, để đáp ứng những yêu cầu về hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung, các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay. Chẳng hạn, đại diện SHB cho biết, ngân hàng đã rà soát, sửa đổi để rút ngắn quy trình và thời gian thẩm định cho vay, đồng thời nghiên cứu ‘may đo” các sản phẩm tín dụng phù hợp vời từng loại hình doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ trong hoạt động cho vay để các doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn…
Bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội nhấn mạnh, việc nâng cao hiệu suất sản xuất kinh doanh đòi hỏi sự đầu tư thông minh và hiệu quả về vốn và tín dụng. Vì thế, rất cần hỗ trợ doanh nghiệp các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường và các hoạt động tư vấn quản trị doanh nghiệp.
Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả kinh doanh, ông Nguyễn Mạnh Linh, Giám đốc Công ty Du lịch Á Châu cho rằng, các cơ quan quản lý cần quan tâm kích cầu tiêu dùng bằng nhiều giải pháp như việc giảm thuế GTGT 2% đang thực hiện; kết hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa để thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế, qua đó giúp các doanh nghiệp cũng có cơ hội phục hồi.
Ý kiến bạn đọc