Doanh nghiệp FDI mong cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh

(HQ Online) - Tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 22/4, các hiệp hội và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã nêu ra nhiều kiến nghị, trong đó nổi lên là những vấn đề liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, cải thiện thủ tục hành chính...
Xuất khẩu có chiều hướng tăng chủ yếu từ doanh nghiệp FDI
Doanh nghiệp FDI đang trên đà phục hồi ổn định, kinh doanh khởi sắc
Bàn giải pháp thu hút FDI khi thực thi thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bên lề Hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bên lề Hội nghị. Ảnh: VGP

Kỳ vọng từ những chính sách hỗ trợ

Theo đó, các doanh nghiệp đều đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Việt Nam đã làm tốt trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên chuyển đổi số mới.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng rất hoan nghênh quyết định của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và sắp tới đây là giảm thuế giá trị gia tăng, với kỳ vọng hỗ trợ phục hồi kinh doanh và kích thích nhu cầu của người tiêu dùng.

Do đó, nhiều doanh nghiệp dự kiến chọn Việt Nam để đầu tư hoặc tiếp tục mở rộng đầu tư. Chẳng hạn, với các doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho biết, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đang đa dạng hóa cơ cấu từ sản xuất chế tạo sang công nghiệp dịch vụ, gần đây đã tăng tỷ trọng đầu tư vào các ngành công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định.

Đơn cử như: Công ty Điện tử Samsung – doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam – cũng đã đầu tư thêm 20 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu R&D quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ cuối năm ngoái. Các công ty như Điện tử LG, LG Display, LG Innotek hiện đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.

Bà Antonia Zahn-Weber, Giám đốc điều hành VFT Industry UG, có trụ sở tại Munich, Đức cho biết, Công ty đã hợp tác với các doanh nghiệp Đức, Việt Nam để chuẩn bị cho khoản đầu tư ước tính 1,5 tỷ USD tại Việt Nam để sản xuất thép không gỉ xanh, với sản lượng khoảng 600.000 tấn/năm để giao thương trên thị trường Việt Nam và châu Âu.

Nghiên cứu kỹ tác động của thuế tối thiểu toàn cầu

Tuy nhiên, để tăng hiệu quả đầu tư, các doanh nghiệp đều kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần tạo môi trường minh bạch, thủ tục hành chính thông thoáng cũng những vấn đề về phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…

Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp FDI tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP
Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp FDI tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP

Về thủ tục hành chính, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (Jetro) Hà Nội phản ánh, tốc độ xử lý thủ tục hành chính chậm, 66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết các thủ tục hành chính có vẻ đang chậm lại, con số này ở ASEAN chỉ 47%, do đó Việt Nam cần phải loại bỏ các loại phí không chính thức và tạo điều kiện cho mức giá phù hợp, điều này quan trọng vì các doanh nghiệp cần xử lý thủ tục hành chính thông suốt và minh bạch.

Tương tự, ông Dominik Meichle, Tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam đề nghị Việt Nam tạo môi trường kinh doanh ổn định và có thể dự đoán được. Trong khi đó, ông Emin Turan, Tổng Giám đốc Tập đoàn dược phẩm Sanofi tại Việt Nam đề nghị nâng cao hiệu quả trong thủ tục hành chính đăng ký thuốc, quy trình hoàn trả, việc thủ tục kéo dài và thay đổi thường xuyên có thể ảnh hưởng đến thời gian tiếp cận các loại thuốc này của Việt Nam, đặc biệt là các thuốc điều trị mới.

Ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam hy vọng cơ chế một cửa có thể sớm được khôi phục để cải thiện sự dễ dàng trong kinh doanh, giảm thời gian thực hiện cho tất cả các loại giấy phép như phòng cháy, chữa cháy, xây dựng, môi trường…

Đặc biệt, vấn đề được các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm nhất hiện nay là thuế tối thiểu toàn cầu. Theo ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam, Chính phủ cần nghiên cứu tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để bảo đảm đầu tư, bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp ưu đãi thuế được giảm hoặc hủy bỏ do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Về cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp nước ngoài đề nghị cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII. Việt Nam cũng nên có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong khu công nghiệp nên được phép tham gia hơp đồng mua bán điện trực tiếp… Ngoài ra, Việt Nam cũng nên tiếp tục tập trung trở thành điểm thu hút nhân tài chất lượng cao và đội ngũ quản lý có kinh nghiệm, đồng thời phải giải quyết nút thắt về giấy phép lao động cho lao động nước ngoài…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều