Doanh nghiệp FDI đang trên đà phục hồi ổn định, kinh doanh khởi sắc

(HQ Online) - Dù khá e dè với các đầu tư mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng vốn đầu tư cho những dự án đang triển khai có hiệu quả tại Việt Nam thể hiện sự tin tưởng vào triển vọng của các dự án đầu tư tại Việt Nam.
Bàn giải pháp thu hút FDI khi thực thi thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu
Doanh nghiệp FDI chiếm gần 75% kim ngạch xuất khẩu cả nước
Tổng cục Hải quan lắng nghe, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp FDI
Các doanh  nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang trên đà phục hồi ổn định sau đại dịch, hoạt động kinh  doanh khởi sắc. Ảnh minh họa: H.D
Các doanh nghiệp FDI đang trên đà phục hồi ổn định, hoạt động kinh doanh khởi sắc. Ảnh minh họa: H.D

Gần 43% doanh nghiệp FDI báo lãi

Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 đã nhận định, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang trên đà phục hồi ổn định sau đại dịch, hoạt động kinh doanh khởi sắc. Trong khi năm 2021 chứng kiến tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi ở mức thấp kỷ lục 38,72% thì đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng đáng kể lên mức 42,77%.

Tuy vậy, trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động khó lường, các doanh nghiệp FDI đang tỏ ra thận trọng về kế hoạch mở rộng quy mô. Chỉ có 6,24% doanh nghiệp FDI tham gia điều tra cho biết đã tăng vốn đầu tư trong năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 2014.

“Nhiệt kế” doanh nghiệp FDI cho thấy 33% doanh nghiệp FDI có dự định tăng quy mô trong năm tới. Đây là mức sụt giảm mạnh so với mức 47,7% của năm 2021 và thấp hơn nhiều so với mức trước dịch, khi con số này chưa bao giờ xuống dưới 45% trong giai đoạn từ 2014 đến 2019.

Doanh nghiệp FDI đang trên đà phục hồi ổn định, kinh doanh khởi sắc
Nguồn: PCI 2022

Thực tế trong quý 1/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 7,8 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,32 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, các doanh nghiệp FDI vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào triển vọng và sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) dựa trên khảo sát 1.300 thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), chỉ số BCI quý 1/2023 tuy giữ mức ổn định 48,0 điểm nhưng đã có những dấu hiệu hứa hẹn một sự thay đổi tích cực trong triển vọng kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho biết, các doanh nghiệp thành viên đang cảm thấy tích cực về tương lai nền kinh tế Việt Nam với kỳ vọng những cải cách sắp tới đối với thủ tục cấp phép lao động và thị thực du lịch có thể sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng. Ngoài ra, việc Chính phủ đưa ra những giải pháp về cải thiện thanh khoản, khả năng tiếp cận tài chính cũng sẽ thúc đẩy tinh thần cộng đồng doanh nghiệp.

Tương tự, ông Steven Cranwell, Tổng giám đốc khu vực châu Mỹ, kiêm Giám đốc khu vực khối khách hàng doanh nghiệp châu Mỹ, Ngân hàng Standard Chartered nhận định, mặc cho những bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Mỹ vẫn tin tưởng vào triển vọng của Việt Nam nhờ vào môi trường kinh doanh thân thiện, vị trí chiến lược là cửa ngõ vào các thị trường đang phát triển nhanh khác, nguồn lao động dồi dào và có tay nghề, chi phí lao động cạnh tranh và nhiều chính sách ưu đãi…

Theo một khảo sát của Standard Chartered, 92% trong số 500 nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Mỹ hiện có kế hoạch và dự định mở rộng kinh doanh trong khu vực ASEAN và 51% số đó hiện có hoặc dự định đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) nên cũng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới và khu vực, đồng thời, giúp các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đa dạng hóa và tiếp cận nhiều thị trường hơn với những điều kiện thuận lợi.

Đẩy mạnh cải thiện về thủ tục hành chính và cơ sở hạ tầng

Đánh giá chung về môi trường kinh doanh của Việt Nam, kết quả điều tra các doanh nghiệp FDI cho thấy, gánh nặng tuân thủ quy định đã giảm xuống gần bằng mức trước đại dịch; trong số doanh nghiệp phản hồi điều tra PCI-FDI 2022, không một doanh nghiệp nào bị thanh, kiểm tra quá mức.

Hơn nữa, thủ tục hành chính trong các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh và xuất nhập khẩu được đánh giá có cải thiện đáng kể. Chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm dần trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI vẫn phản ánh, một số lĩnh vực cần tiếp tục đẩy mạnh về cải cách thủ tục hành chính; việc cải thiện về cơ sở hạ tầng có dấu hiệu chững lại trong năm 2022 và cần được quan tâm hơn. Đáng chú ý là chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động. Các doanh nghiệp FDI vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân công, đặc biệt là với các vị trí đòi hỏi trình độ cao như quản lý, điều hành.

Ông Steven Cranwell cho biết, các doanh nghiệp Mỹ mong muốn Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt về cảng, hạ tầng giao thông vận tải và năng lực của ngành logistics để duy trì tốc độ tăng trưởng. Hơn nữa, Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô từ Trung Quốc bởi có thể làm giảm nỗ lực đa dạng hóa của các doanh nghiệp.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều