Doanh nghiệp cần tư duy đúng về phát triển bền vững từ Bộ chỉ số CSI

(HQ Online) - Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2023 (CSI 2023) đã chính thức được phát động.
Ban hành Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững
Phát triển thời trang bền vững từ các loại sợi tự nhiên
Tín dụng xanh cho doanh nghiệp phát triển bền vững
Doanh nghiệp cần tư duy đúng về phát triển bền vững từ Bộ chỉ số CSI
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD phát biểu khai mạc.

Đây là năm thứ 8 chương trình được triển khai theo sự chỉ đạo của Chính phủ nhằm ghi nhận, biểu dương các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm trên cả 3 khía cạnh: kinh tế - xã hội - môi trường.

Năm nay, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với hạt nhân là Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), tổ chức Chương trình CSI 2023 với sự phối hợp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và dự kiến có thêm Ban Kinh tế trung ương tham gia trong Ban chỉ đạo Chương trình.

Phát biểu khai mạc tại Lễ phát động được tổ chức vào ngày 31/5/2023, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và trong bối cảnh này, doanh nghiệp một lần nữa đặt ra câu hỏi “phát triển bền vững để làm gì nếu chúng tôi không vượt qua được khó khăn ngay lúc này?”.

Trả lời cho câu hỏi này, theo ông Vinh, bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời, đồng bộ của Chính phủ, doanh nghiệp cần một tư duy đúng về phát triển bền vững. Bởi hiện phát triển bền vững không phải là chi phí, là gánh nặng, mà chính là đầu tư và cơ hội cho doanh nghiệp. Việc thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực sẽ giúp tạo ra những sản phẩm, dịch vụ “xanh” có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, hội nhập quốc tế.

Do đó, ông Nguyễn Quang Vinh kỳ vọng, Chương trình CSI sẽ giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về tầm quan trọng và lợi ích của phát triển bền vững trong bối cảnh mới, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện kinh doanh bền vững và thực hành quản trị doanh nghiệp bền vững thông qua áp dụng Bộ chỉ số CSI.

Năm nay, Bộ chỉ số CSI đã có sự cải tổ toàn diện về mặt cấu trúc, rõ ràng, dễ tiếp cận, lượng hóa được nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh từ doanh nghiệp với 130 chỉ số, trong đó 63% là các chỉ số tuân thủ, 37% là các chỉ số nâng cao.

Theo các chuyên gia, với đa số là các chỉ số tuân thủ thì việc thực hiện phát triển bền vững không khó và xa vời cho doanh nghiệp, mà ngược lại, chỉ cần đảm bảo việc tuân thủ các yêu cầu pháp luật, doanh nghiệp đã có một nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.

Ngoài ra, Bộ chỉ số CSI 2023 cũng tích hợp sâu Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, nhấn mạnh 3 yếu tố: kiểm đếm phát thải cacbon; hoạt động thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu; thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn. CSI 2023 tiếp tục tập trung vào các chỉ số lao động xã hội trọng điểm… Những chỉ số này được lồng ghép nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Chương trình CSI 2023 sẽ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực thông qua hình thức nộp hồ sơ trực tuyến và không thu bất kỳ khoản phí nào từ doanh nghiệp. Đặc biệt, năm nay, Ban tổ chức sẽ thực hiện công khai thang điểm đánh giá theo từng phần, từng lĩnh vực để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tự đánh giá cũng như soi chiếu với sự đánh giá từ Hội đồng đánh giá của Chương trình. Hạn cuối cùng nhận hồ sơ tham dự là 31/08/2023. Chương trình sẽ tổ chức các khóa tập huấn trực tiếp/trực tuyến về quản trị doanh nghiệp và cách thức tổ chức triển khai áp dụng Bộ chỉ số CSI.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Doanh nghiệp quy mô càng nhỏ thì mức độ lạc quan càng suy giảm

Doanh nghiệp quy mô càng nhỏ thì mức độ lạc quan càng suy giảm

(HQ Online) - Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp tại báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, chỉ 27% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh năm 2024 và 2025, giảm mạnh so với mức 35% của năm 2022 và thấp hơn mức đáy năm 2012-2013.

Đọc tiếp

Hướng tới thực thi có hiệu quả thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam

Hướng tới thực thi có hiệu quả thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam

(HQ Online) - Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, việc tính thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) trong thực thi thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) cho phép giảm trừ giá trị tài sản hữu hình và tiền lương khi tính lợi nhuận tính thuế bổ sung. Điều này thể hiện quan điểm của quy định về thuế TTTC là khuyến khích hoạt động đầu tư thực chất hiện hữu tại quốc gia nhận đầu tư thông qua sự tồn tại của tài sản hữu hình và nhân công.

Đọc nhiều