Để Fintech là “mảnh ghép” mấu chốt trong hệ sinh thái ngân hàng số

(HQ Online) - Công nghệ tài chính (Fintech) tại Việt Nam đang có nhiều bước phát triển vượt trội nên trong chiến lược xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số cần có giải pháp, nhất là về cơ sở pháp lý, để Fintech trở thành đòn bẩy, mảnh ghép mấu chốt.
Đảm bảo cho fintech phát triển
Công ty quản lý quỹ bắt tay Fintech để cùng tối ưu thế mạnh của nhau
Ngân hàng có thể vận hành như công ty công nghệ tài chính trong tương lai
diễn đàn “Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính, thúc đẩy hoạt động Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam”. Ảnh: H.Dịu
Diễn đàn “Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính, thúc đẩy hoạt động Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam”. Ảnh: H.Dịu

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức diễn đàn “Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính, thúc đẩy hoạt động Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam”.

Ngân hàng luôn có độ trễ về công nghệ so với Fintech

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng như Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2021, số lượng công ty Fintech đã tăng lên 04 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021. Trong số các công ty Fintech tại Việt Nam, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp. Năm 2021 đã chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của thị trường Fintech Việt Nam khi nền kinh tế internet đạt giá trị 21 tỷ USD, đứng ở vị trí 14/50 ở khu vực châu Á và vị trí 70 trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Theo bảng xếp hạng trung tâm Fintech toàn cầu năm 2021, điểm Fintech của Việt Nam xếp hạng 70 thế giới, trong đó, TPHCM và Hà Nội xếp lần lượt thứ 28 và 33 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là thành quả đáng khích lệ với một thị trường Fintech non trẻ như Việt Nam, cho thấy Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong khoảng thời gian gần đây.

Xu hướng này sẽ còn được tiếp tục khi theo dự báo của NHNN, giá trị thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến tăng gần 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, Fintech Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ về việc mở rộng các hình thức thanh toán số cũng như việc áp dụng ngày càng nhiều các giao dịch kỹ thuật số và sự phát triển của thị trường thương mại điện tử.

Tuy nhiên, với sự phát triển này, về phía các ngân hàng, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA cho hay, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty Fintech trong thời gian qua chắc chắn là một thách thức đối với các ngân hàng truyền thống.

Theo đó, các ngân hàng có lịch sử và thương hiệu lâu năm, có mạng lưới hoạt động rộng lớn, lợi thế về lượng dữ liệu lớn của khách hàng, có đủ tài chính và kinh nghiệm hoạt động nhưng ngân hàng luôn có một độ trễ nhất định về mặt công nghệ so với các công ty Fintech. Trong khi đó, Fintech lại có thế mạnh về đổi mới sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ linh hoạt và hiệu quả, giúp tiết giảm chi phí giao dịch và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Thúc đẩy hoàn thiện thể chế

Các chuyên gia và đại diện các ngân hàng đều cho rằng, để triển khai mô hình ngân hàng số, đòi hỏi ngân hàng phải có sự phối hợp cùng các công ty Fintech, giúp Fintech là "mảnh ghép" mấu chốt trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Cụ thể là ngân hàng có thể tận dụng các công nghệ hỗ trợ của Fintech nhằm ứng dụng các công nghệ mới vào các dịch vụ tài chính. Sự hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng có thể thúc đẩy quá trình cải tổ hệ thống ngân hàng: mở rộng tệp khách hàng và có thể chăm sóc khách hàng tốt hơn; phát triển đa dạng các sản phẩm - dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng tốt hơn, phù hợp hơn; giao dịch an toàn hơn với chi phí thấp hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), hiện nay, hệ thống ngân hàng lõi còn tương đối lạc hậu, chưa đủ điều kiện để tích hợp ứng dụng số hóa dựa trên dữ liệu lớn. Trong khi đó, công nghệ ứng dụng trong ngân hàng số thường có tốc độ phát triển nhanh và dễ dàng thay thế bởi các công nghệ mới. Hơn nữa, các đối thủ cạnh tranh trong ngành đều tăng tốc đầu tư cho công nghệ số.

Vì thế, để triển khai áp dụng ngân hàng số, ngân hàng có thể cần bên thứ ba tham gia vào quá trình cung ứng, hỗ trợ hoạt động. Nhưng bên thứ ba này phải đạt được trình độ quản lý rủi ro tương đương với mục tiêu ngân hàng đề ra. Nên theo bà Nga, giải pháp là phải rà soát thẩm định thông tin về bên thứ ba trước khi ký hợp đồng cũng như thường xuyên giám sát năng lực, đánh giá định kỳ.

Trong bối cảnh nêu trên, PGS.TS. Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, các dịch vụ tài chính số tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển, nên cần thúc đẩy hoàn thiện thể chế. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử; ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ số…

Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, cơ sở pháp lý cho ngân hàng tiến hành chuyển đổi số mới chỉ đạt 50% các quy định về định danh điện tử, thanh toán điện tử… trong khi nhiều quy định liên quan đến bảo lãnh, cho vay chưa được ban hành. Vì thế, hiện NHNN cũng đã trình Chính phủ để ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Regulatory Sandbox), trong đó sẽ quy định về việc cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ, cho vay ngang hàng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API)...

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

(HQ Online) - SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với năm 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.

Đọc tiếp

Techcombank thông qua mục tiêu lợi nhuận 27.100 tỷ đồng, tăng gấp đôi vốn điều lệ

Techcombank thông qua mục tiêu lợi nhuận 27.100 tỷ đồng, tăng gấp đôi vốn điều lệ

(HQ Online) - Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vào ngày 20/4, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho biết, Techcombank cũng đang xem xét tìm kiếm nhà đầu tư, đối tác chiến lược để tìm cơ hội gia tăng lợi ích cho cổ đông.
Cảng Chu Lai: Kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Cảng Chu Lai: Kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Với mục tiêu đưa cảng Chu Lai trở thành trung tâm kết nối logistics, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong nước, Công ty Giao nhận Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối hoạt động giao nhận vận chuyển đường bộ - cảng biển - đường biển, tối ưu hóa chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản.

Đọc nhiều