Công ty tài chính lo ngại cạnh tranh từ chuỗi cầm đồ, công ty "núp bóng" cho vay

(HQ Online) - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định, các công ty tài chính đã góp phần hạn chế “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, ổn định kinh tế.
Chú trọng số hóa tài chính tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen
Công ty tài chính có còn “đẻ trứng vàng” cho ngân hàng?
Tài chính tiêu dùng “rộng đường” phát triển nhờ số hóa
Hội thảo Tài chính tiêu dùng: Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế.
Hội thảo Tài chính tiêu dùng: Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế.

Tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng đã tăng hơn 20% trong 9 tháng

Theo thông tin tại Hội thảo "Tài chính Tiêu dùng - Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày 18/10, trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm.

Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đạt khoảng 145.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

Theo NHNN, hiện nay chỉ có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và hơn 74.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.

Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của khối các công ty tài chính là 240.348 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với thời điểm cuối năm 2021. Vốn điều lệ của các công ty tài chính là 31.235 tỷ đồng, tăng 3,54% so với thời điểm cuối năm 2021. Trong đó, Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (FE Credit) có mức vốn điều lệ cao nhất là 10.928 tỷ đồng. Ngoài ra, Việt Nam còn có 4 tổ chức tài chính vi mô với dư nợ hơn 10.000 tỷ đồng.

Đồng thời, sự phát triển về quy mô của thị trường còn được thể hiện qua việc liên tục có các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các công ty tài chính Việt Nam, điển hình như Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (được Shinhan Bank Việt Nam mua lại và thiết lập hệ sinh thái tài chính cùng với Shinhan Securities và Shinhan Life), Lotte Finance - công ty con của Lotte Card là công ty tài chính phát hành thẻ tín dụng sở hữu mạng lưới dịch vụ và bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc…

Với sự phát triển này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đã tiếp cận đến các phân khúc khách hàng đại chúng chưa tiếp cận được hoặc khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, lịch sử tín dụng hạn chế, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản đảm bảo…; qua đó hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, thực hiện chiến lược tài chính toàn diện.

“Núp bóng” để thực hiện "tín dụng đen"

Đại diện lãnh đạo NHNN cũng nhìn nhận, các công ty tài chính cũng gặp một số khó khăn, phạm vi và quy mô hoạt động còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo các công ty tài chính, hoạt động không lành mạnh của các tổ chức, công ty tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính”, cũng thực hiện hoạt động cho vay nhưng không do NHNN cấp phép, đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, trong 3 năm qua, lực lượng Công an đã phát hiện hơn 2.700 vụ, khởi tố gần 3.400 bị can liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, riêng tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự đã tiếp nhận, phát hiện gần 1.600 vụ.

Đơn cử, vào tháng 7/2022, cơ quan Công an đã triệt phá đường dây cho vay qua ứng dụng tại Lào Cai. Các đối tượng tạo lập trên 300 ứng dụng cho vay, liên kết với khoảng 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính fintech để cho vay các gói từ 2-7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày, với lãi suất trên 2.000%/năm. Điều tra ban đầu xác định có gần 160.000 người đã vay qua các ứng dụng do nhóm đối tượng điều hành với số tiền giao dịch hơn 1.800 tỷ đồng.

Đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an nhận định, hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng chuyển hướng lập các doanh nghiệp “núp bóng”, cho vay trực tuyến, cho vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội… để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật… Các ứng dụng cho vay nặng lãi thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Theo bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance), các công ty tài chính đang gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ và phải đối mặt cạnh tranh với các công ty Fintech (gồm P2P - cho vay ngang hàng, vay qua ứng dụng, vay ngày…), chuỗi cầm đồ… Các công ty, tổ chức này không bị quản lý chặt chẽ bởi Luật Các tổ chức tín dụng.

Chẳng hạn với chuỗi cầm đồ, đây không phải tổ chức tài chính nên NHNN không quản lý mà thuộc quản lý của Bộ Công Thương. Điều này dẫn đến chính sách quản lý chế tài cũng khác nhau, đặc biệt là điều kiện về trích lập dự phòng rủi ro, các quy định cho vay/thu nợ. Do đó, nhiều sai phạm tại các chuỗi cầm đồ này đã được phản ánh là các điểm cho vay tiền mặt cạnh tranh trực tiếp với công ty tài chính.

Từ những vấn đề nêu trên, các chuyên gia cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính; tăng cường giải pháp giúp phân biệt bản chất hoạt động công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, quản lý và công ty tài chính khác.

Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy sản phẩm tài chính gắn với công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều