Tài chính tiêu dùng “rộng đường” phát triển nhờ số hóa
Một số điểm mới về xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa | |
Xây dựng nền tài chính thông minh và số hóa hoàn toàn | |
100% trung tâm phục vụ hành chính công triển khai số hóa hồ sơ |
Cần chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng. Ảnh: ST |
Thị trường 100 triệu dân có thu nhập tăng nhanh
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, cả nước có 22 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 13 chi nhánh, 43 văn phòng đại diện và 53.516 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63 tỉnh, thành phố. Năm 2020, dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung đã đạt 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% dư nợ cho vay nền kinh tế. Tính riêng nhóm các công ty tài chính tiêu dùng, dư nợ đạt khoảng khoảng 130.000 tỷ đồng với hơn 30 triệu khách hàng được phục vụ. Các chuyên gia nhìn nhận, đây là con số ấn tượng với tài chính tiêu dùng còn non trẻ tại Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay, hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”. Chính vì thế, tiềm năng phát triển của tài chính tiêu dùng Việt Nam là rất lớn với dân số gần 100 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh…
Tuy nhiên, thực tế thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam vẫn có quy mô nhỏ, thị trường phát triển còn tập trung chủ yếu vào một số công ty lớn, trong đó 3 công ty lớn nhất chiếm đến hơn 75% thị phần. Do đó, các chuyên gia cho rằng, các các công ty tài chính cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường trong và sau dịch bệnh. Chú trọng quản trị rủi ro tín dụng và tiết giảm chi phí để tối ưu hóa hoạt động, cân đối phù hợp giữa rủi ro và lãi suất cho vay.
Số hóa giảm rủi ro
Nhận thức được những vấn đề nêu trên, các công ty tài chính đã có những thay đổi đáng kể, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ và quản lý khoản vay. Bởi rõ ràng, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nếu không được kiểm soát tốt theo đúng mục đích và đối tượng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Để chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Mạnh Khang, Giám đốc Khối công nghệ thông tin của Công ty Tài chính TNHH MB SHINSEI (Mcredit) cho rằng, cần có thời gian để thay đổi tư duy người dân, tiếp cận người dân. Nếu công ty tài chính tiêu dùng phối hợp thêm với công ty viễn thông để tiếp cận người dân, ra đời các sản phẩm dịch vụ phục vụ tốt hơn, người dân sẽ biết về công ty dịch vụ tài chính, từ đó số lượng khách hàng sẽ tăng lên.
Nói thêm về công nghệ mới của các công ty tài chính hiện nay, đại diện Mcredit chia sẻ, hầu hết công ty tài chính tiêu dùng ứng dụng công nghệ trong cung cấp các dịch vụ, đánh giá tiềm năng khách hàng và quản lý khoản vay. Việc kiểm soát rủi ro khi khách hàng đăng ký online bằng cách xác nhận định danh qua eKYC, đồng thời qua số điện thoại, số chứng minh thư và chữ ký số của khách hàng. Công nghệ tiên tiến còn giúp phân loại nợ, giai đoạn đòi nợ, trên ứng dụng của người dùng cũng có lịch trả nợ để khách hàng cùng theo dõi, đảm bảo tỷ lệ tăng số lượng khách hàng chủ động trả nợ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Mạnh Khang cho biết, cách đây khoảng 3 năm, các ngân hàng nói nhiều về câu chuyện cạnh tranh với các công ty công nghệ tài chính (Fintech), cho vay ngang hàng (P2P), nhưng gần đây, quan điểm này đã thay đổi. Theo ông Khang, vấn đề hiện cần đặt ra là xây dựng hệ sinh thái, nên MCredit vẫn song hành cùng các công ty Fintech, P2P, ngân hàng.
Có cách làm tương tự, FE CREDIT cũng đã và đang bắt tay với nhiều đối tác và các công ty Fintech hàng đầu như MyCash Fintech, EY, Vymo, UBank… để tối ưu hóa ứng dụng và xây dựng hệ sinh thái số mới. Đặc biệt, trước tác động của đại dịch Covid-19, ứng dụng cho vay trên điện thoại như FE Mobile hay $NAP đã giúp khách hàng thực hiện các giao dịch, thủ tục mọi lúc mọi nơi. Cho đến hiện tại, FE CREDIT đã hoàn thiện xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng dịch vụ cho vay trực tuyến cho hơn 230.000 khoản vay, tương ứng trung bình 350 khoản vay/ngày thông qua ứng dụng $NAP.
Để củng cố thêm nền tảng, theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính; tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi quốc tế; đồng thời, chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới như Fintech, P2P, Mobile Money…
Ý kiến bạn đọc