Chung với đại dịch, doanh nghiệp không nên thụ động chờ hỗ trợ
Doanh nghiệp cần các giải pháp chủ động để khôi phục sản xuất. Ảnh minh hoa: H.Dịu |
Sáng 23/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đã tổ chức tọa đàm với doanh nghiệp chủ đề: "Đại dịch – Cơ hội và thách thức".
Xoay chuyển thành cơ hội
Phát biểu tại tọa đàm, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, ngay từ khi đại dịch bùng phát, Chính phủ đã có nhiều chương trình hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất… cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, tại TP Hà Nội, các doanh nghiệp còn nhận được nhiều hỗ trợ như: gói hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo từ 2021-2025; hỗ trợ 3.600 doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp về nghiên cứu khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ với mức tiền từ 50-100 triệu đồng/doanh nghiệp; phối hợp với Sở Công Thương TP Hà Nội triển khai các giải pháp duy trì sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thương mại mua bán hàng hóa, giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp…
Nhìn từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse cho rằng, đại dịch tác động xấu đến một nhóm doanh nghiệp nhưng cũng là cơ hội cho một nhóm doanh nghiệp khác. Do đó, các chính sách cần được “mổ xẻ”, phân tích cụ thể để đến được chính xác doanh nghiệp cần, cũng như tìm ra cách thức hỗ trợ hiệu quả.
Chia sẻ một giải pháp để doanh nghiệp xoay chuyển thách thức thành cơ hội trong đại dịch, bà Đinh Thị Thúy, Giám đốc Công ty Cổ phần MISA cho hay, doanh nghiệp đã chuẩn bị tâm thế sống chung với dịch bệnh ngay từ năm 2020, nên đã tận dụng công nghệ để đảm bảo hoạt động được thông suốt. Hiện MISA đã ứng dụng và cung cấp ứng dụng quản trị doanh nghiệp hợp nhất, cũng như các dịch vụ kế toán trực tuyến miễn phí cho 30.000 doanh nghiệp có nhu cầu.
Bà Thúy cho rằng, doanh nghiệp muốn biến thành thách thức thành cơ hội phải dựa 70% vào tư duy nhận thức, nên doanh nghiệp hãy quan tâm đến chuyển đổi số, tối ưu hóa chi phí để phục hồi sản xuất.
Tương tự, lãnh đạo Tập đoàn Sunhouse cũng chia sẻ, trước ảnh hưởng của đại dịch, mảng kinh doanh chính không tăng trưởng như kỳ vọng, thị trường nội địa cũng không khả quan khi doanh thu chỉ tăng khoảng 8% so với cùng kỳ, nhưng doanh nghiệp đã tận dụng thị trường xuất khẩu để hướng tới doanh thu cả Tập đoàn tăng trưởng tới 25%.
Nên chủ động khắc phục
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, vẫn như hồi đại dịch năm 2020, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn cần thêm “máy thở” là các chính sách hỗ trợ. Bởi thực tế hiện nay, dù đã có nhiều thay đổi so với năm 2020, nhưng nhiều doanh nghiệp cho hay, công tác xúc tiến thương mại vẫn chưa hiệu quả, cần sự đổi mới theo hướng hiện đại hơn, áp dụng triệt để thương mại điện tử.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc giảm lãi suất cho vay đang được các ngân hàng thực hiện từ giữa tháng 7/2021, mức giảm 1-2%/năm lãi suất là khá tích cực, nhưng thực tế vẫn còn khó khăn, doanh nghiệp muốn nhận được chế độ giảm lãi suất phải đáp ứng nhiều điều kiện đi kèm mà ngân hàng đề ra… Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng mong muốn việc khoanh nợ, giãn nợ được các ngân hàng tiếp tục thực hiện đến hết tháng 6/2022.
Ông Nguyễn Xuân Phú cũng kiến nghị các cơ quan quản lý, cơ quan thực hiện chính sách hỗ trợ cần thay đổi tư duy theo hướng đồng hành cùng doanh nghiệp để việc hỗ trợ được thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần tìm giải pháp phân loại nhóm doanh nghiệp để đưa ra cơ chế hỗ trợ trực tiếp, “bơm” tiền một cách phù hợp đến từng doanh nghiệp.
“Shark” Phú đưa ra lời khuyên, các doanh nghiệp trong nước cũng phải chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó cho doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không nên thụ động trông chờ vào chính sách hỗ trợ mà cần chủ động tự tìm cách khắc phục, bởi số lượng doanh nghiệp lớn, cơ quan quản lý còn lo hỗ trợ cho người dân, phòng chống dịch nên các chính sách sẽ không thể triển khai nhanh như mong đợi.
Ý kiến bạn đọc