Chứng khoán tăng "nóng" thôi thúc các ngân hàng phát hành cổ phiếu để tăng vốn
Dự báo mặt bằng lãi suất và phí dịch vụ ngân hàng tiếp tục giảm | |
Tác động của Thông tư 03 lên các ngân hàng không giống nhau | |
Nửa cuối tháng 4, nhộn nhịp đại hội cổ đông ngân hàng |
Cổ phiếu ngành ngân hàng đang tăng trưởng cao. Ảnh: ST |
Trong nhóm 4 "ông lớn" ngân hàng (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV), mới chỉ có BIDV được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ đồng (tức tăng 20,6%) trong giai đoạn 2021-2022. Đây cũng là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay với hơn 40.200 tỷ đồng.
Vì thế, BIDV dự kiến đưa ra thị trường thêm 830 triệu cổ phiếu, gồm 488,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019-2020, và 341,5 triệu cổ phiếu có thể được chào bán riêng lẻ hoặc ra công chúng.
Trong khi đó, VietinBank và Vietcombank cho biết sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ tại ĐHCĐ sắp tới nhưng chưa cụ thể mức tăng bao nhiêu.
Với các ngân hàng thương mại cổ phần, theo tài liệu trình cổ đông, các ngân hàng có dự định tăng vốn như: ACB sẽ tăng vốn điều lệ từ hơn 21.600 tỷ lên hơn 27.000 tỷ đồng; HDBank tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.000 tỷ lên 20.110 tỷ đồng; SHB dự kiến tăng 21% so với vốn điều lệ hiện tại lên mức gần 21.300 tỷ đồng; OCB dự kiến mức tăng vốn điều lệ khoảng 25%; ABBank dự định tăng 65% vốn điều lệ từ 5.713 tỷ đồng lên hơn 9.409 tỷ đồng; MB cũng lên phương án tăng 40% vốn điều lệ …
Để tăng được số vốn điều lệ trên, các ngân hàng đều trình phương án tăng vốn thông qua phát hành, chào bán cổ phiếu.
Chẳng hạn tại ABBank, ngân hàng này sẽ chia thành 2 đợt phát hành cổ phiếu. Đợt 1, ABBank sẽ chào bán hơn 114 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 20% cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp và hơn 11,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2% cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá dự kiến là 11.500 đồng/cổ phiếu. Giai đoạn hai, ABBank sẽ phát hành gần 244 triệu cổ phiếu thưởng, tương đương 35% vốn điều lệ sau khi tăng vốn đợt đầu. Nếu thực hiện thành công, ABBank sẽ đưa ra thị trường gần 370 triệu cổ phiếu.
Tương tự, MB cũng phát hành và chia cổ tức thành 3 lần. Lần một, ngân hàng sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 35% nâng vốn điều lệ từ 28.000 tỷ đồng lên 38.600 tỷ đồng. Lần hai, ngân hàng sẽ tăng vốn thêm 700 tỷ qua bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước. Lần ba, ngân hàng sẽ phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên. Nếu thành công, hơn 1 tỷ cổ phiếu MBB sẽ được đưa ra thị trường.
OCB cũng dự kiến phát hành 274 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 25%, chào bán 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP với giá 10.000 đồng/cp và dự kiến phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trước đó, ĐHĐCĐ của VIB đã thông qua phương án tăng vốn tối đa 43% vốn điều lệ. Trong đó, ngân hàng sẽ chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40%, nâng vốn lên 15.531 tỷ đồng và chào bán riêng lẻ tối đa 3% vốn đề phòng rủi ro dịch Covid-19. MSB cũng lên kế hoạch trả cổ tức bằng 352 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 30%...
Tuy nhiên, vẫn còn gần 10 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng, thậm chí có ngân hàng chỉ ở mức 3.000 tỷ, nhưng vẫn chưa có động thái gì về việc tăng vốn điều lệ trong năm nay.
Nhưng theo các chuyên gia, ngay cả những ngân hàng đã tăng vốn thành công vẫn phải tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn từ nhà đầu tư chiến lược bởi vốn càng lớn, khả năng trụ vững của ngân hàng càng cao.
Trong một năm qua, với sự hưng phấn từ thị trường chứng khoán nói chung, thị giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng từ 130-300%, nên càng có động lực để là cổ phiếu dẫn dắt và hấp dẫn nhất trên thị trường chứng khoán.
Đến hiện tại, một số ngân hàng đã công bố lợi nhuận trước thuế quý 1/2021, với mức tăng khá cao như: MSB tăng 300%, VietinBank tăng 150%, MB tăng 100%, ACB tăng 61%, Vietcombank tăng 35%... so với cùng kỳ năm 2020.
TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021 sẽ khả quan hơn, có thể tăng trưởng khoảng 20-25% so với năm 2020.
Ý kiến bạn đọc