Các doanh nghiệp cần hỗ trợ thông tin thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu

(HQ Online) - Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, hiệp hội kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ từ các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong các vấn đề liên quan đến đầu tư, thương mại, xuất khẩu...
Cần cơ chế thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp Việt có “tấm vé” xuất khẩu vào EU
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ những gì để hồi phục?
Chú trọng hỗ trợ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất

Chiều 12/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức gặp gỡ giữa các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ (2023-2026) với lãnh đạo các hiệp hội và doanh nghiệp.

Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội phát biểu tại buổi gặp gỡ.
Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội phát biểu tại buổi gặp gỡ.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, thế giới đang biến đổi nhanh chóng và khôn lường nên các doanh nghiệp luôn phải đặt câu hỏi mua gì bán gì, bán cho ai và bán thế nào. Do đó, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo VCCI bày tỏ mong muốn và kỳ vọng các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong nhiệm kỳ mới tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan.

Ngoài ra, ông Phạm Tấn Công cũng thông tin, từ năm 2023, VCCI sẽ chính thức hỗ trợ địa phương trong việc tổ chức các diễn đàn kêu gọi xúc tiến thương mại đầu tư ở nước ngoài. VCCI sẽ giúp các địa phương tổ chức các đoàn làm việc sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ… để kêu gọi hợp tác, đầu tư. Do đó, VCCI cần sự phối hợp với các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài để đạt hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cũng nêu rõ, tăng cường công tác ngoại giao kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nên trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, Bộ Ngoại giao đã giao nhiệm vụ cho đoàn trưởng cơ quan đại diện làm việc với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình và nhu cầu trong nước, thiết lập kênh trao đổi thông tin, qua đó xây dựng các chương trình, kế hoạch đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khi nhận nhiệm vụ ở nước ngoài.

Tại buổi gặp gỡ, các hiệp hội, doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn được cung cấp thông tin về thị trường cũng như văn hóa, tập quán kinh doanh của nước bạn; hỗ trợ kết nối và giới thiệu các đối tác tiềm năng để mở rộng thị trường; hỗ trợ trong xúc tiến thương mại quốc gia, cũng như có dự báo tình hình kinh tế, xã hội các địa bàn các nước sở tại nhằm tìm thêm được các đối tác để hợp tác; hỗ trợ thông tin của các đối thủ cạnh tranh có cùng thị trường xuất khẩu.

Về xúc tiến đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận và kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư tại Việt Nam, được đồng hành trong các chương trình hội thảo xúc tiến, giới thiệu về môi trường đầu tư Việt Nam tại nước ngoài, phối hợp đưa đoàn doanh nghiệp từ các địa bàn về khảo sát môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong một số lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao…

Trình bày về những vấn đề cụ thể, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, các doanh nghiệp dệt may đang đứng trước nhiều thách thức khi đơn hàng giảm, nên rất mong muốn được chia sẻ thêm thông tin về thị trường, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.

Riêng về thị trường châu Âu (EU), đại diện cho các doanh nghiệp dệt may mong muốn trưởng đại diện ở các quốc gia này sẽ giúp doanh nghiệp tìm hiểu về các đối thủ cạnh tranh lớn trong xuất khẩu dệt may như Ấn Độ, Bangladesh..., đồng thời cung cấp kịp thời những thông tin về yêu cầu của EU trong xanh hóa sản xuất cũng như các quy định mới về môi trường, truy xuất nguồn gốc.

Ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh, ngành dệt may Việt Nam mới chỉ đứng thứ 5 trong xuất khẩu vào EU, trong khi thị hiếu của thị trường liên tục thay đổi nên rất cần thông tin để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp dệt may vượt qua khó khăn.

Đại diện Hiệp Hội Rau Quả Việt Nam (VINAFRUIT) cũng cho biết, hiện các sản phẩm nông sản như rau quả của Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang thị trường gần như Trung Quốc. Nên vị này bày tỏ mong muốn các trưởng đại diện hỗ trợ doanh nghiệp tìm thêm đối tác tại các thị trường mới, như tại châu Phi để hợp tác, kết nối, mở rộng và đa dạng thị trường.

Không chỉ tăng khả năng xuất khẩu, kết nối bạn hàng, các doanh nghiệp còn mong muốn nhận được những hỗ trợ về công nghệ từ đối tác nước ngoài. Đại diện Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam bày tỏ mong muốn có thêm giải pháp nhằm tăng cường kết nối với các hiệp hội quốc tế, từ đó thêm cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nhận được đầu tư, chuyển giao công nghệ cũng như học hỏi kinh nghiệm cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Tân Hiệp Phát sát cánh cùng chính quyền địa phương trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa

Tân Hiệp Phát sát cánh cùng chính quyền địa phương trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa

(HQ Online) - Hơn 10 năm qua, Tân Hiệp Phát là đơn vị luôn sát cánh cùng chính quyền địa phương trong công tác phụng sự xã hội, đặc biệt là hoạt động phụng dưỡng gia đình chính sách trên địa bàn phường Vĩnh Phú. Vừa qua, đơn vị cũng đã có buổi gặp mặt thân mật, thăm hỏi và trao tặng số tiền phụng dưỡng đợt 1 năm 2024.

Đọc nhiều