Bị ấn định thuế nếu không kê khai thuế khi chuyển giao hàng hóa gia công
Điểm a khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định: Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài thuộc đối tượng được miễn thuế xuất nhập khẩu.
Điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Máy móc, thiết bị nhập khẩu được thỏa thuận trong hợp đồng gia công để thực hiện gia công được miễn thuế nhập khẩu.
Khoản 20 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 quy định: Hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Công chức Hải quan Đồng Nai kiểm tra máy móc thiết bị nhập khẩu của doanh nghiệp- Ảnh tư liệu. Ảnh: N.H |
Khoản 5 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế, xét miễn thuế xuất nhập khẩu nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế, xét miễn thuế. Hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó chuyển mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới.
Chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.
Điểm d khoản 1 Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, quy định: “Hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định”.
Cũng tại đểm d khoản 2 Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định: “Trường hợp người nộp thuế thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa nhưng không tự giác kê khai, nộp thuế với cơ quan Hải quan, nếu cơ quan Hải quan hoặc cơ quan chức năng khác kiểm tra, phát hiện thì người nộp thuế bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu ban đầu nộp tiền chậm nộp và bị xử lý theo quy định hiện hành”.
Điểm k khoản 4 Điều 17 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ quan Hải quan ấn định thuế đối với trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế nhưng người khai thuế tự ý thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nôi địa không kê khai, nộp thuế trên tờ khai hải quan mới theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Hải quan cho rằng, trường hợp Công ty TNHH Solity Vina nhập khẩu hàng hóa là “khuôn, đế khuôn các loại” của Công ty Solity Co.ltd Hàn Quốc để thực hiện hợp đồng gia công, đăng ký tờ khai theo loại hình tạm nhập tái xuất, thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế giá trị giá tăng nhưng sau đó đã chuyển giao toàn bộ hàng hóa cho công ty khác thực hiện gia công. Trong đó, việc chuyển giao hàng hóa là “khuôn, đế khuôn các loại” không được thỏa thuận trong hợp đồng gia công, hợp đồng thuê thiết bị, công ty không có văn bản gửi cơ quan Hải quan xem xét, quyết định thì phải thực hiện kê khai tờ khai hải quan mới, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định.
Ngoài ra, trường hợp Công ty TNHH Solity Vina không kê khai nộp đủ các loại thuế trước khi chuyển giao cho công ty khác thì cơ quan Hải quan thực hiện ấn định thuế theo quy định tại điểm k khoản 4 Điều 17 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Ý kiến bạn đọc