Tỷ lệ nợ xấu nhóm công ty tài chính tăng lên mức 9-10%

(HQ Online) - Báo cáo về tình hình hoạt động 9 tháng của 12 công ty tài chính là hội viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động khiến tỷ lệ nợ xấu bình quân cao hơn nhiều so với năm 2020.
Ngân hàng vào "cuộc đua" bán công ty tài chính cho đối tác ngoại
Bán vốn tại công ty tài chính: Các ngân hàng mẹ toan tính gì?
NHNN yêu cầu công ty tài chính chấn chỉnh hoạt động
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại hội nghị.

Ngày 29/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã sơ kết hoạt động 9 tháng của nhóm công ty tài chính. Theo báo cáo của Hiệp hội, đến nay, tổng vốn điều lệ của 12 công ty tài chính hội viên đạt: 22.195 tỷ đồng, tăng trên 21% so với tổng vốn điều lệ năm 2020 và chiếm khoảng gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính.

Tổng tài sản các công ty tài chính hội viên (ngoại trừ công ty tài chính Handico (HAFIC) đang diện kiểm soát đặc biệt và Công ty tài chính bưu điện PTFinance chưa cung cấp số liệu) tính đến cuối tháng 9/2021 đạt khoảng 151.000 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng 2% so với cuối năm 2020.

Tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 129.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020. Đáng lưu ý, tỷ lệ nợ xấu bình quân đã tăng lên mức 9-10%, trong khi tỷ lệ này vào thời điểm cuối năm 2020 đạt khoảng 6%.

Do đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng nhận định, dự kiến đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu tại các công ty tài chính hội viên sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, các công ty tài chính cũng đã tích cực miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Chẳng hạn, Fe Credit đã có tới 400.000 khoản vay, trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi; Công ty SHB Finance đã hỗ trợ cho 3.995 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay với tổng dư nợ được cơ cấu là 104 tỷ đồng; Công ty MB SHINSEI hỗ trợ cho 18.493 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ đã được cơ cấu lại là hơn 381 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 29.320 khách hàng với tổng dư nợ được miễn giảm lãi lũy kế là gần 486 tỷ đồng...

Mặc dù vậy, do phân khúc khách hàng của các công ty tài chính là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương... - nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều khách hàng là F0, F1 hoặc trong khu vực giãn cách không thể giao tiếp được với các công ty để làm các thủ tục theo quy định, dẫn đến khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng để giới thiệu sản phẩm cũng như thu phí dịch vụ, thu nợ, xử lý nợ xấu...

Những yếu tố này vừa tác động lớn đến kết quả doanh số giải ngân và thu nợ dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm.

Bên cạnh đó, việc phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro, dự phòng bắt buộc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là rất lớn và hiện đang được thực hiện thủ công, không có phần mềm phù hợp, gây khó khăn cho người thưc hiện và khó tránh khỏi xảy ra sai sót trong quá trình xác định nhóm nợ khách hàng.

Ngoài ra, các công ty tài chính cũng đang rất lúng túng vì các vướng mắc liên quan đến các văn bản pháp lý như Nghị định 39/2014/NĐ-CP, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN và Thông tư 18/2019/TT-NHNN chưa đưa ra cơ chế phân loại rõ ràng về cho vay tiêu dùng và vay phục vụ đời sống. Quy định về tổng dư nợ và tỷ lệ tối đa cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng chưa phù hợp với nhu cầu người vay…

Hơn nữa, hạn mức tín dụng mà NHNN cấp cho các công ty tài chính quá thấp làm hạn chế khả năng tăng trưởng về quy mô và điều hòa tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính do nhu cầu của khách hàng vay tăng lên nhất là sau dịch Covid-19… Vì thế, nhiều công ty tài chính tăng trưởng tín dụng âm trong quý 3/2021, thừa vốn nhưng không thể mang đi đầu tư vào các giấy tờ có giá vì NHNN không cấp phép, giảm hiệu quả hoạt động.

Trước những khó khăn, bất cập này, các công ty tài chính đã đề xuất NHNN sửa đổi các quy định còn vướng mắc nêu trên phù hợp hơn; xem xét áp dụng cơ chế tăng trưởng linh động, không áp trần tăng trưởng tín dụng (hoặc nới lỏng hạn mức tín dụng) đối với các Công ty tài chính sau khi nền kinh tế đã kiểm soát được dịch bệnh.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều