Thủ tướng: DNNN tiếp tục dẫn dắt, mở đường, tiên phong trong đổi mới sáng tạo

(HQ Online) - Đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt; DNNN cần là lực lượng tiên phong, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, tái cơ cấu nền kinh tế...
Thủ tướng: Nắm giữ nguồn lực lớn, các tập đoàn, tổng công ty phải làm ăn có lãi Những tín hiệu "mùa Xuân" cho khối doanh nghiệp nhà nước Thủ tướng chỉ thị doanh nghiệp nhà nước hoàn thành vượt chỉ tiêu kinh doanh được giao
Thủ tướng: DNNN tiếp tục dẫn dắt, mở đường, tiên phong trong đổi mới sáng tạo
Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân các DNNN tiêu biểu trên toàn quốc. Ảnh: VGP

Doanh nghiệp là yếu tố đột phá của nền kinh tế

Ngày 3/3, tại Hà Nội, Thường trực Chính phủ đã tổ chức hội nghị gặp mặt đầu xuân các DNNN tiêu biểu trên toàn quốc.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của DNNN khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023; trong đó doanh thu của riêng 19 tập đoàn, tổng công ty và Tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ DNNN.

Lợi nhuận trước thuế của DNNN khoảng 125,8 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp NSNN ước thực hiện khoảng 166 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, các DNNN ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Tuy nhiên vẫn bộc lộ một số hạn chế như chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao; một số DNNN hoạt động còn thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan là do một số vướng mắc về cơ chế chính sách chưa được kịp thời tháo gỡ; các quy định pháp luật liên quan về quản trị doanh nghiệp, quản lý vốn và tài sản, đất đai, đấu giá, đấu thầu… chưa đồng bộ. Pháp luật hiện hành về doanh nghiệp nhà nước nói chung chưa thật sự phân cấp, chưa trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp chủ động quyết định hoạt động đầu tư, kinh doanh…

Cũng đánh giá cao vai trò của các DNNN trong phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc còn đề cao trách nhiệm của khối DNNN trong đảm bảo an sinh việc làm, đóng góp lớn cho NSNN.

“Trong báo cáo về ngân sách tài chính 2023, chúng ta có 676 DNNN, trong đó có 19 tập đoàn, tổng công ty đã nộp 261 nghìn tỷ đồng tiền thuế, chiếm 17% thuế nội địa. Riêng 2 tháng đầu năm đã nộp được 36.894 tỷ đồng. Những năm qua DNNN bền vững hơn trong các lĩnh vực kinh doanh, nợ thuế cũng ít hơn, hiện nợ thuế của DNNN là 17.032 tỷ đồng, còn các DN lĩnh vực khác khoảng 150 nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Thủ tướng: DNNN tiếp tục dẫn dắt, mở đường, tiên phong trong đổi mới sáng tạo
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định khối DNNN bền vững hơn trong các lĩnh vực kinh doanh. Ảnh: VGP

Đóng góp để hỗ trợ DNNN phát triển, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng các DNNN cần phát triển thị trường, có sản phẩm tốt và có sức cạnh tranh; cũng như hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các DNNN cần tính toán, nếu thiếu cơ chế thì trình Chính phủ, Quốc hội giải quyết, để có thể phát triển hùng mạnh, bền vững.

“Cốt lõi của nền kinh tế là doanh nghiệp, mà doanh nghiệp vừa có vai trò trụ đỡ nhưng cũng là yếu tố đột phá của nền kinh tế”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu.

Cũng về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các DNNN cần tập trung vào tái cấu trúc; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; tìm kiếm cơ hội và có chiến lược huy động các nguồn lực xã hội, kể cả nguồn lực trong và ngoài nước theo công thức "1 vốn nhà - 4 vốn người" để có điều kiện để phát triển…

Ngoài ra, tại buổi làm việc, đại diện một số DNNN, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đã nêu nhiều kiến nghị để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, như tập trung tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách; đổi mới cơ chế quản lý vốn đầu tư vào DNNN; sớm hoàn thiện việc xây dựng Luật sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) theo hướng có giải pháp cho doanh nghiệp nhà nước chủ động phát triển trong môi trường cạnh tranh gắn với trách nhiệm và cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền…

Tiếp tục dẫn dắt, phát huy vai trò mở đường

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ luôn bên cạnh các DNNN, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Vì thế, Thủ tướng yêu cầu các DNNN cần vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và bền bỉ vượt khó khăn thách thức. Thủ tướng nêu rõ, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì sứ mệnh của DNNN là phải phát huy vai trò tiên phong, đầu tàu, gương mẫu, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thủ tướng: DNNN tiếp tục dẫn dắt, mở đường, tiên phong trong đổi mới sáng tạo
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong nền kinh tế. Ảnh: VGP

Đánh giá cao kết quả hoạt động của khối DNNN trong năm qua, nhưng Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm còn hạn chế. Trong đó có việc một số DNNN dù đã rất nỗ lực triển khai các dự án đầu tư mới nhưng vẫn chưa tương xứng với nguồn lực được giao nắm giữ; hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng, đầu tư ra nước ngoài gặp khó khăn, một số dự án có vốn đầu tư lớn không thành công…

Nguyên nhân là có nơi, có lúc còn bị động, lúng túng trước những biến động lớn, phản ứng chính sách chưa kịp thời, tái cấu trúc chưa phù hợp tình hình; tinh thần đổi mới sáng tạo ở một số tập đoàn, tổng công ty còn hạn chế, còn sợ sai, sợ trách nhiệm, một số chế độ, chính sách chưa phù hợp.

Vì thế, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/2/2024 về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của DNNN và các chỉ đạo, kết luận khác có liên quan.

Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong nền kinh tế; DNNN cần là lực lượng tiên phong, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, tạo các chuỗi liên kết, cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài…

Thủ tướng lưu ý thúc đẩy vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); sử dụng nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Xử lý dứt điểm các tồn tại, các dự án yếu kém trên cơ sở xem xét lợi ích tổng thể chứ không phải lợi ích cục bộ…

Với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải tích cực, chủ động, trách nhiệm trong giúp đỡ doanh nghiệp, tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, "không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm", phối hợp hiệu quả với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy mặt mạnh, hạn chế điểm yếu, tiến cùng, theo kịp và vươn lên, tăng tốc phát triển.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng đề án về quản lý nhà nước với DNNN, theo hướng tách bạch chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sơ kết mô hình Ủy ban, đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan và chủ động, tích cực hơn nữa trong hoạt động.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều