SJC duy trì là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, cổ phần hóa SATRA, RESCO...

(HQ Online) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 184/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc Bộ Y tế, UBND TPHCM và UBND tỉnh Hải Dương đến hết năm 2025.
Để việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiệu quả Nâng giá trị thương hiệu doanh nghiệp nhà nước nhờ đầu tư ra nước ngoài Đề xuất cho doanh nghiệp nhà nước được thoái vốn tại các doanh nghiệp bị lỗ
Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) là doanh nghiệp kinh doanh vàng duy nhất trên thị trường do Nhà nước sở hữu 100% vốn, trực thuộc UBND TPHCM.
Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là doanh nghiệp kinh doanh vàng duy nhất trên thị trường do Nhà nước sở hữu 100% vốn, trực thuộc UBND TPHCM. Ảnh: SJC

Theo đó, Quyết định đã phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc Bộ Y tế, UBND TPHCM và UBND tỉnh Hải Dương đến hết năm 2025 theo các hình thức: duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa, sáp nhập; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước (thoái vốn).

Cụ thể, Thủ tướng quyết định duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) đến hết năm 2025 đối với 25 doanh nghiệp.

Trong đó 1 doanh nghiệp do Bộ Y tế làm chủ sở hữu là Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản y học; 24 doanh nghiệp do UBND TPHCM như Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH MTV (Saigontourist), Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - TNHH MTV (SAWACO), Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1…

Quyết định cũng đưa ra danh mục doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện cổ phần hóa, sáp nhập đến hết năm 2025. Trong đó, thực hiện cổ phần hóa đưa tỷ lệ vốn nhà nước dự kiến nắm giữ còn 65% vốn trở lên đối với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (SATRA); thực hiện cổ phần hóa đưa tỷ lệ vốn nhà nước dự kiến nắm giữ còn trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ đối với Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (CNS), Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV (RESCO), Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn – TNHH MTV (SGCC)…

Quyết định cũng đưa ra kế hoạch thực hiện thoái vốn tại 5 doanh nghiệp, giữ nguyên phần vốn nhà nước đến năm 2025 tại 3 doanh nghiệp. Thủ tướng cũng quyết định thực hiện sắp xếp theo phương án riêng đến năm 2025 đối với Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương. Các doanh nghiệp này đều do UBND tỉnh Hải Dương là chủ sở hữu.

Quyết định yêu cầu Bộ Y tế, UBND TPHCM và UBND tỉnh Hải Dương phải quyết liệt thực hiện cổ phần hóa, hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp đến hết năm 2025 với các doanh nghiệp được liệt kê; tổ chức thực hiện thoái vốn theo lộ trình và đảm bảo Nhà nước nắm giữ tỷ lệ vốn tại doanh nghiệp theo khung quy định, mục tiêu đến hết năm 2025 đạt được tỷ lệ như đề xuất…

Các cơ quan này phải có trách nhiệm cho ý kiến để người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp biểu quyết về việc thực hiện sắp xếp lại (hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản) đối với các doanh nghiệp và các công ty cổ phần khác, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật hiện hành.

Quyết định yêu cầu các cơ quan cần chủ động căn cứ tình hình thị trường và thực tế tại doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn sớm hơn lộ trình được phê duyệt, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch và theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp không đảm bảo tỷ lệ theo khung hoặc/và không thực hiện được đến hết năm 2025 do nguyên nhân chủ quan, Thủ tướng đề nghị làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có), báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật và gửi Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, tổng hợp.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều