Ngân hàng vẫn chờ thêm “room” tín dụng

(HQ Online) - Khi kinh tế hồi phục, tín dụng có thể tăng cao lên tới 13-14% vào cuối năm 2021 và sang năm 2022, nhưng các ngân hàng vẫn “vướng” vì hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng.
Nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng
Dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 682 nghìn tỷ đồng
Phó Thống đốc NHNN: Không "dễ dãi" giảm điều kiện tiếp cận tín dụng
Tăng trưởng tín dụng 10 tháng năm 2021.
Tăng trưởng tín dụng 10 tháng năm 2021.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 29/10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 10 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% so với cuối năm 2020, cao hơn mức 6,5% của cùng kỳ năm 2020.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, làn sóng dịch thứ 4 cơ bản đã được kiểm soát, Việt Nam đang tiến tới trạng thái “sống chung an toàn với Covid-19” nên kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn. Do đó, vị này dự báo, ngành ngân hàng có thể mở rộng có chọn lọc tín dụng, tăng khoảng 12-13% năm 2021 và 13-14% năm 2022-2023, bao gồm cả tín dụng từ gói hỗ trợ lãi suất.

Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại được Công ty Chứng khoán KB (KBSV) thực hiện cho biết, tính đến hết quý 3/2021, tăng trưởng tín dụng nhóm các ngân hàng niêm yết đạt 7,7% so với năm trước, trong đó nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (ngoại trừ Agribank) tăng trưởng khá tốt, đạt 7,8% so với cùng kỳ năm trước và nhóm ngân hàng TMCP tăng trưởng tích cực hơn với 8,8% so với cùng kỳ.

Một số ngân hàng thương mại có mức tăng trưởng cho vay khách hàng tốt trong 9 tháng bao gồm Techcombank, TPBank, VIB, LienVietPostBank, MBBank và MSB. Đáng chú ý, KBSV còn cho biết, tăng trưởng mảng trái phiếu doanh nghiệp đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng ở nhiều ngân hàng như Techcombank, VPBank, MBBank, TPBank. Vì thế, mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng tại các ngân hàng TMCP đã tiệm cận với hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp mới trong quý 3/2021.

Ngân hàng vẫn chờ thêm “room” tín dụng
Hạn mức tín dụng các ngân hàng. Nguồn: KBSV

Được biết, tính đến tháng 9/2021, khoảng 12 ngân hàng đã được NHNN nới room tín dụng.

Theo các chuyên gia, báo cáo tài chính quý 3 cho thấy chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại không chịu ảnh hưởng quá mạnh bởi đợt giãn cách xã hội quý 3. Vì thế, các ngân hàng kỳ vọng, NHNN sẽ sớm nới hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay vẫn ở mức thấp như hiện tại.

Tại buổi gặp gỡ với nhà đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, sau 9 tháng, tín dụng của MSB tăng gần 16%, cao hơn mức 10,6% cuối tháng 6. Ngân hàng vẫn kỳ vọng đạt hạn mức 25% cho cả năm. Vì thế, trong kỳ nới hạn mức tín dụng cuối năm, lãnh đạo MSB kỳ vọng sẽ được nâng “room” tín dụng, dựa trên cân đối và phân bổ của cơ quan điều hành.

Lãnh đạo một ngân hàng cũng cho hay, kinh tế phục hồi sẽ giúp nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp mạnh hơn. Ngân hàng cũng tung ra các gói cho vay với lãi suất ưu đãi nên tín dụng sẽ tăng trở lại.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều trong điều kiện ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống tổ chức tín dụng. Trong đó, nợ xấu gia tăng - dự báo nợ xấu nội bảng khoảng trên 2% cuối năm 2021 và 2,3-2,5% năm 2022. Nợ xấu gộp có thể tăng cao tới 7,1-7,7%, đặc biệt là nửa cuối năm 2022 khi các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ của Thông tư 14 hết hiệu lực.

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng cần thúc đẩy bảo lãnh vay doanh nghiệp nhỏ và vừa qua các quỹ bảo lãnh vay vốn tại các địa phương hoặc sớm ban hành gói tín dụng hỗ trợ lãi suất thấp hơn 2-3% so với lãi suất thị trường…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

(HQ Online) - Ngày 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Đọc nhiều