Ngân hàng đẩy vốn "giá rẻ" cho vay cuối năm

(HQ Online) - Đến nay đã có 12 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi suất từ 0,5-3%/năm với số tiền hơn 3.300 tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế
Giải pháp nào khơi thông dòng vốn?
“Đói” vốn đang tác động xấu “sức khỏe” doanh nghiệp
Đã có 12 ngân hàng giảm lãi suất cho vay dịp cuối năm. Ảnh: Internet
Đã có 12 ngân hàng giảm lãi suất cho vay dịp cuối năm. Ảnh: Internet

12 ngân hàng đã giảm lãi suất

Trong thông cáo phát đi gần đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã công bố chương trình giảm lãi suất từ 1,5% đến 2%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên cũng như các doanh nghiệp đang cần vốn để gấp rút sản xuất các mặt hàng thiết yếu. SHB còn miễn, giảm phí trả nợ trước hạn, ưu đãi các phí dịch vụ, linh hoạt về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) áp dụng chương trình giảm lãi suất đến 1,5% cho khách hàng đến 30/6/2023 cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ vay kinh doanh.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) lại có những gói ưu đãi riêng, giảm từ 0,5-1%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, xuất nhập khẩu... MB cho biết, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, đã giúp ngân hàng tiết giảm chi phí, thu hút được lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn, có lãi suất thấp, có điều kiện giảm lãi vay.

Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam cũng cho biết, kể từ tháng 8 đến 31/12, khách hàng doanh nghiệp (bao gồm khách hàng hiện tại có giao dịch vay và khách hàng mới) được giảm từ 0,9 đến 1,3 điểm % tùy vào thời hạn vay. Đối với khoản vay bằng ngoại tệ, Ngân hàng Shinhan giảm 0,6 điểm % lãi suất cho vay cho kỳ hạn từ 1-6 tháng.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TPHCM (HDBank)… cũng công bố giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời hạn sang đến cuối năm 2023.

Đáng chú ý, với khối ngân hàng có vốn nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã thông báo, đối với dư nợ phát sinh từ ngày 1/12/2022 đến ngày 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) quyết định giảm lãi suất tới 1%/năm đối với các khoản vay cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng. Thời gian triển khai đến hết ngày 31/12/2022.

Không có thời gian để dòng vốn đi vào các kênh đầu cơ

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định nới hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng, với mức trung bình từ 1,5-2% cho các ngân hàng thương mại để có điều kiện tăng thêm nguồn lực, khả năng mở rộng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Theo tính toán, lượng tín dụng trong tháng 12 được kỳ vọng vào khoảng 240.000 tỷ đồng, chủ yếu sẽ tập trung giải ngân vào các lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp sản xuất.

Theo NHNN, tính đến cuối tháng 11, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,20% so với cuối năm 2021, số với cùng kỳ năm 2021 tăng 10,8%. Trong đó, tính theo ngành kinh tế, dư nợ tín dụng cho hoạt động thương mại dịch vụ tăng mạnh nhất, đạt 13,6% so với mức 10,8% vào cuối tháng 9 và 9,6% của cùng kỳ năm ngoái, tương đồng với sự hồi phục của lĩnh vực dịch vụ sau Covid-19. Lĩnh vực nông, lâm thủy sản và sản xuất ghi nhận mức tăng trưởng chậm hơn, lần lượt là 7,9% và 7,93%.

Nhận định về “dòng chảy” của tín dụng sau động thái nới room và giảm lãi suất, không ít doanh nghiệp vẫn còn lo ngại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, không có thời gian để dòng vốn đi vào các kênh đầu cơ, bởi nhiều hồ sơ đã qua xét duyệt đang chờ sẵn. Hơn nữa, bản thân doanh nghiệp và ngân hàng cũng phải rất thận trọng trong giải ngân cuối năm để đảm bảo an toàn cho hệ thống.

Trong ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1156/CĐ-TTg về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và góp phần xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trong trao đổi mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi việc hướng dòng tiền sử dụng room tín dụng này và sẵn sàng tạo điều kiện các nguồn lực vốn dài hạn cho các ngân hàng thương mại, để có điều kiện có nguồn cung ứng vốn một cách ổn định, đảm bảo nhu cầu dự án rất cần thiết như hiện nay.

Cũng về vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, nhằm tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ, các ngân hàng cần đồng thuận giữ mặt bằng lãi suất ổn định để đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, người dân cũng như hỗ trợ nhau nguồn lực để thanh khoản hệ thống thông suốt. Bên cạnh đó, cần trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đẩy mạnh truyền thông để dư luận hiểu và chia sẻ hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Nhưng bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, các ngân hàng cũng cần công bố mức lãi suất cho vay hiện hành và mức lãi suất sau khi giảm để thấy rõ sự thực chất. Hơn nữa, các cơ quan quản lý cần những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều