Mong mỏi nguồn vốn cho vụ cuối năm

(HQ Online) - Thời điểm cuối năm đã đến, nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp sẽ tăng cao hơn do phải gấp rút hoàn thành đơn hàng và chuẩn bị cho năm kinh doanh 2022. Vì thế, lượng vốn đủ và khả năng tiếp cận vốn dễ hơn là điều mà các doanh nghiệp đang mong mỏi.
Ngân hàng tích cực đẩy vốn hỗ trợ cho “bình thường mới”
Cơ hội nào cho thị trường chứng khoán cuối năm?
Nguồn vốn nào cho doanh nghiệp “hồi sinh”?
Mong mỏi nguồn vốn cho vụ cuối năm
Tín dụng tại nhiều ngân hàng thời gian qua tăng mạnh do đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ khách hàng. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp

"Khát" vốn

Theo ghi nhận, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về việc hướng dẫn tạm thời 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, cho phép địa phương xác định cấp độ dịch bệnh cùng việc nới lỏng nhiều hoạt động kinh doanh theo cấp độ, đã giúp doanh nghiệp “hồ hởi” với các kế hoạch quay trở lại sản xuất, kinh doanh.

Công ty Chứng khoán BSC nhận định, các doanh nghiệp hoạt động trở lại nhiều hơn, sẽ khiến nhu cầu vốn lưu động để phục vụ đơn hàng cuối năm tăng trở lại ở nhiều ngành nghề. Hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa, công ty bán lẻ thu hút khoảng 70-80% tín dụng của các ngân hàng. Mặc dù nhu cầu vay vốn của nhóm này thời gian qua có sự sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng vẫn là động lực để các tổ chức tín dụng triển khai các sản phẩm cho vay ưu đãi lãi suất trong các tháng cuối năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với mức tăng 5,48% của cùng kỳ năm 2020. Theo đánh giá của các chuyên gia, tình hình dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, cộng thêm kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế và cam kết của các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh các gói hỗ trợ lãi suất, cùng cao điểm cuối năm về sản xuất kinh doanh nên các doanh nghiệp sẽ tăng nhu cầu tín dụng và đẩy mạnh hoạt động vay vốn hơn.

Nói về vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp sản xuất cơ khí tại Hà Nội cho hay, dịch bệnh và các quy định giãn cách xã hội đã khiến nguồn thu của doanh nghiệp sụt giảm tới 70%, dòng vốn lưu động cũng đã cạn. Nên ngay khi mở cửa trở lại, doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất nhưng rất cần nguồn vốn để mua nguyên liệu đầu vào cũng như trả lương cho nhân công. Đồng quan điểm, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu TLT cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đều đang rất khát vốn, nên cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và vay vốn lãi suất thấp.

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn tín dụng luôn là “bài toán” khó của các doanh nghiệp!

Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, những doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất 3 tại chỗ rất cần vay vốn ưu đãi để trả lương và trợ cấp cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay để vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải chờ đợi quá lâu do hồ sơ thủ tục phức tạp, thậm chí sau thời gian dài chờ đợi doanh nghiệp cũng không vay được. Ngoài ra, ông Việt Anh kiến nghị, khi xem xét cho doanh nghiệp vay nợ, ngân hàng không nên tính các khoản nợ cũ đang được hoãn, giãn nợ thành nợ xấu.

Cũng về vấn đề này, lãnh đạo một công ty chuyên về sản xuất đồ gỗ cho hay, Công ty rất cần vốn để sản xuất vụ cuối năm, nhưng với gói vay ưu đãi, ngân hàng có quá nhiều điều kiện như yêu cầu chứng minh dòng tiền, phương án kinh doanh khả thi… Hơn nữa, mức lãi suất ưu đãi ban đầu có thể xuống 6%/năm, nhưng chỉ áp dụng trong 6 tháng đầu, sau đó sẽ điều chỉnh dựa trên lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 3%/năm và điều chỉnh định kỳ 3 tháng một lần. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp sẽ phải vay vốn lên tới hơn 9%/năm.

Gỡ “nút thắt”

Theo NHNN, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cuối tháng 8/2021 tiếp tục giảm so với tháng 12/2020. Hơn nữa, việc các ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp được dự báo là sẽ giúp tín dụng gia tăng. Hiện 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính hơn 20.600 tỷ đồng, áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021. Tính đến cuối tháng 9, nhóm 16 ngân hàng thương mại chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế đã thực hiện việc giảm lãi suất cho vay hơn 11.800 tỷ đồng, đạt 57,3% so với cam kết.

Trước những khó khăn nêu trên, các doanh nghiệp kiến nghị phải nhanh chóng có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn, nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, không chỉ cho mùa vụ cuối năm, mà cho cả kế hoạch kinh doanh dài hạn năm 2022 và những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, bên cạnh hàng loạt chính sách cơ cấu giãn nợ, hỗ trợ lãi vay mà mà các ngân hàng đang triển khai, hiện nay NHNN cũng đang xem xét về việc đưa gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng (lãi suất 3 - 4%/năm) ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Tại buổi gặp mặt giữa Thủ tướng với doanh nhân vào ngày 12/10, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định, thời gian tới, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nhưng đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, Thống đốc đã đề nghị các doanh nghiệp cũng hết sức chia sẻ với hệ thống ngân hàng trong quá trình này. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết sẽ phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo dòng tiền của doanh nghiệp không bị đứt gãy. Bộ Tài chính cũng sẽ cùng NHNN nghiên cứu, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét cơ chế lãi suất đối với doanh nghiệp vay vốn…

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều