Giải bài toán tiếp cận vốn bằng giải pháp vay vốn trực tuyến

(HQ Online) - Không cần đến tận phòng giao dịch của ngân hàng, tất cả quy trình được thực hiện 100% trực tuyến… là những điểm mà doanh nghiệp có thể nhận được khi thực hiện theo các dịch vụ vay vốn trực tuyến mà nhiều ngân hàng đã và đang triển khai.
Dòng tín dụng đã chảy vào những lĩnh vực kinh tế nào?
Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát việc giảm lãi suất của các ngân hàng
Giảm lãi suất cho vay: Phải giảm thực chất
Nhiều ngân hàng đã triển khai hình thức vay vốn trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: SY
Nhiều ngân hàng đã triển khai hình thức vay vốn trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: ST

“Ngồi tại chỗ nhận được tiền”

Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp chia sẻ, trong bối cảnh nhiều địa phương, trong đó bao gồm cả Hà Nội và TPHCM phải thực hiện giãn cách xã hội, khiến việc đi lại, giao dịch khó khăn, nhất là khi đây đều là những địa phương tập trung phần lớn doanh nghiệp của cả nước.

Đặc biệt, với hoạt động tín dụng, vấn đề khó nhất là làm thế nào để có thể tiếp xúc, thẩm định khách hàng cũng như ký kết các văn kiện tín dụng, văn kiện tài sản đảm bảo… Chính vì thế, nhiều ngân hàng đã thực hiện chuyển dịch từ tiếp xúc trực tiếp sang nhận hồ sơ thông qua các kênh giao dịch điện tử, nhằm đảm bảo hỗ trợ cho khách hàng và duy trì dòng tín dụng trong bối cảnh giãn cách.

Ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho hay, MB đã nâng cấp hai nền tảng dành cho khách hàng là ứng dụng MBBank (đối với khách hàng cá nhân) và Biz MBBank (đối với khách hàng doanh nghiệp) để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận dòng vốn tín dụng từ ngân hàng trên hai nền tảng online này.

Hơn nữa, để khách hàng tiếp cận các chương trình giảm lãi suất, MB đã gửi thông báo đến những khách hàng được giảm lãi suất bằng văn bản cùng với việc nhắn tin tới khách hàng. Khách hàng không cần ký kết các văn bản hay đề nghị gì với MB.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) cũng cung cấp dịch vụ tín dụng online 24/7 dành cho doanh nghiệp. Khách hàng chỉ cần đăng ký thông tin trực tuyến, hệ thống phê duyệt tự động sẽ ngay lập tức phản hồi phương án tài chính tối ưu cho doanh nghiệp. HDBank cam kết tư vấn trong 24 giờ, thủ tục đơn giản, bảo mật thông tin khách hàng.

Đặc biệt, khách hàng có thể nhận được ưu đãi riêng có từ gói tín dụng “Doanh nghiệp vay online nhận ngay ưu đãi lãi suất” với lãi suất vay chỉ từ 4,99%. HDbank dành tổng hạn mức của chương trình nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch online lên đến 1.000 tỷ đồng.

Nhằm giúp doanh nghiệp không phải chuẩn bị hồ sơ bản cứng, không phải di chuyển và tiếp xúc theo phương châm “ngồi tại chỗ nhận được tiền”, Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank) cũng triển khai cấp tín dụng trực tuyến. Thậm chí, với những doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có lịch sử giao dịch tín dụng tốt tại VPBank sẽ được cấp hạn mức vay tín chấp theo hình thức thấu chi, không cần tài sản đảm bảo.

Đại diện khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của VPBank cho biết, với tốc độ xử lý vốn nhanh, các doanh nghiệp sẽ có ngay chi phí, tối ưu thời gian để xử lý các vấn đề cấp bách trước mắt như trả tiền hàng hóa, trả lương cho nhân viên, mua sắm vật dụng hay thanh toán tiền thuê mặt bằng. Tính đến hết tháng 7/2021, đã có khoảng 550 khách hàng được VPBank giải ngân bằng hình thức trực tuyến.

Đa dạng hình thức cho tăng trưởng tín dụng

Chia sẻ về tác động của hình thức vay vốn trực tuyến với các doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Aligro cho biết, hình thức này giúp doanh nghiệp đỡ được rất nhiều khâu làm việc, nhân viên không phải đi lại để giao dịch, từ đó giúp giảm chi phí và thời gian làm việc. Đặc biệt, nhờ hình thức trực tuyến nên doanh nghiệp có thể chủ động về thời gian thanh toán, trả nợ…

Tuy nhiên, khảo sát mới nhất của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, bước sang quý 3/2021, các ngân hàng thương mại tỏ ra thận trọng hơn về tăng trưởng tín dụng trước diễn biến phức tạp dịch bệnh. Bởi hiện nay, không ít doanh nghiệp, nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động, thậm chí là phá sản ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.

Vì vậy, theo các chuyên gia, kế hoạch vay vốn của các doanh nghiệp cũng như giải ngân vốn của ngân hàng trong thời gian tới phụ thuộc nhiều vào việc sớm kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt cùng với tiến độ tiêm vắc xin được đẩy mạnh trên diện rộng, sang quý 4, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh trở lại để hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

Thế nên, việc đưa ra các giải pháp là những gói hỗ trợ ưu đãi về lãi suất, cùng các chương trình vay vốn trực tuyến như trên sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn, nắn dòng tín dụng hướng đến các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh là rất cần thiết.

Theo đại diện lãnh đạo Agribank, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp dịch bệnh đã dần thích nghi và có biện pháp tiếp cận tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế. Hơn nữa, một số ngành bị ảnh hưởng nhẹ hơn sẽ sớm trỗi dậy sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Agribank vẫn hướng đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng tối thiểu ở mức 8,5%.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, các ngân hàng quy mô lớn với nền tảng khách hàng vững chắc đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng mạnh và đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng được phân bổ cho cả năm 2021. Hiện tại vẫn có ngân hàng đang tiếp tục xin thêm room tín dụng cho quý 4 do hạn mức cấp thêm đã dùng hết.

Vì thế, MBKE dự báo, tăng trưởng tín dụng toàn sẽ tăng lên mức 12,5% trong năm 2021 và 14% năm 2022. TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV cũng dự báo, đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 12,17%. Con số này thấp hơn bình quân giai đoạn 2016-2020 là 15,2% nhưng cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều