Dự kiến thoái vốn nhà nước tại 73 doanh nghiệp trong đợt 1 năm 2023
SCIC sẽ thoái gần 200 triệu đồng vốn nhà nước tại Nhựa Bình Minh. |
Theo danh sách này, nhiều doanh nghiệp có tên tuổi đang niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ được thoái vốn như: Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP - vốn nhà nước chiếm 0,02%), Tổng công ty Thăng Long (TTL – 25%), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (SEA - 63%), Tổng công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (VEC - 88%), Công ty Cổ phần Nhựa Việt Nam (VNP – 66%), Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol (VNC – 30%), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF – 8%), Tổng công ty Licogi (LIC – 41%)…
Trong danh sách này, không ít doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm tỷ lệ lên tới 97-99% cũng được thoái vốn như Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cần Thơ, Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Thái Nguyên, Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam, Công ty Cổ phần Giao nhận kho vận ngoại thương, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư giao thông vận tải…
Về khối lượng, danh sách bán vốn đợt 1 xuất hiện nhiều doanh nghiệp có lượng vốn nhà nước cao như: Tổng công ty Thủy sản Việt Nam với gần 792,3 tỷ đồng, Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 với hơn 509 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh với hơn 514 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng với 450 tỷ đồng…
Ngoài ra, trong 73 doanh nghiệp này, SCIC cũng đã thoái vốn thành công tại 4 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Quảng Ngãi (bán 29% vốn), Công ty Cổ phần Sửa chữa đường bộ và Xây dựng tổng hợp II Quảng Bình (53%), Công ty Cổ phần Sửa chữa đường bộ và Xây dựng tổng hợp Quảng Bình (65%), Công ty Cổ phần Quản lý đường thủy nội địa số 9 (51%).
Trong tháng 4 này, SCIC đã đưa ra 3 thông báo bán đấu giá theo lô cổ phần tại Công ty Cổ phần Du lịch xúc tiến đầu tư, Công ty Cổ phần Xây dựng và Chuyển giao công nghệ Thủy Lợi, Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch và Dịch vụ tổng hợp Điện Biên. Dự kiến thời gian tổ chức đấu giá mua cổ phần sẽ được thực hiện vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.
Năm 2022, SCIC đạt 10.694 tỷ đồng doanh thu, bằng 151% so với năm 2021 và đạt 135% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu cổ tức đạt 8.216 tỷ đồng, bằng 142% kế hoạch và bằng 188% năm 2021; doanh thu bán vốn đạt 1.358 tỷ đồng, bằng 101% so với kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế của SCIC đạt 6.836 tỷ đồng, bằng 191% kế hoạch năm 2022.
Về công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2022, SCIC đã tiếp nhận 10 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 8.524 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 13.548 tỷ đồng.
Ý kiến bạn đọc