Doanh nghiệp tiên phong đổi mới đều trụ vững và phục hồi nhanh hơn

(HQ Online) - Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một cơ hội mới để bứt phá nếu thích ứng kịp thời với môi trường kinh doanh mới do đại dịch Covid-19 tạo ra, nên cần có tầm nhìn toàn diện hơn về quản trị.
Thêm giải pháp để doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Nhiều doanh nghiệp lãi lớn nhờ xuất khẩu phục hồi
Mỗi tháng có hơn 15.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động
Các diễn giả tham gia tọa đàm.
Các diễn giả tham gia tọa đàm.

Chiều 8/9, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi”.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, trong bối cảnh đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã và đang nhanh chóng chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh… nhằm thích ứng với môi trường biến đổi, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

“Ngoài những giải pháp của Chính phủ, các địa phương, đã đến lúc chính các doanh nghiệp phải tính đến câu chuyện tái thiết kế các phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, tái cơ cấu doanh nghiệp, tìm cách thức quản trị mới để sống chung, sống an toàn trong môi trường biến đổi này”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Theo ông Phòng, tùy theo quy mô, mỗi doanh nghiệp sẽ có những mô hình phù hợp để giữ cho doanh nghiệp an toàn với Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm chuyển đổi mô hình hoạt động, số hóa trong các khâu vận hành, quản lý, khai thác, giao nhận vận tải và tạo nên những làn sóng lan tỏa trên thị trường.

Chia sẻ về kinh nghiệm của doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy do giãn cách xã hội đã làm tăng gia chi phí sản xuất, song Tập đoàn vẫn duy trì việc hỗ trợ giá sản phẩm để giữ chân người tiêu dùng. Giải pháp được doanh nghiệp áp dụng không chỉ là bán hàng trực tuyến , bởi sẽ không đủ cho chiến lược trung hạn và dài hạn, mà phải là duy trì hỗ trợ giá cho toàn bộ hệ thống, từ đại lý đến các nhà phân phối.

Cũng về vấn đề này, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty FPT Telecom cho rằng, các doanh nghiệp có thể chọn chế độ “ngủ đông” hoặc đứng lên “chiến đấu” với đại dịch. Giải pháp mà FPT xây dựng là bộ giải pháp eCovax hỗ trợ doanh nghiệp bằng các nền tảng số khi xây dựng hợp đồng điện tử, chữ ký số, giải pháp quản trị số… giúp doanh nghiệp không tiếp xúc nhưng vẫn không bị gián đoạn hoạt động, làm chủ tình thế, ứng biến linh hoạt với các thay đổi.

Theo ông Nguyễn Bình Minh, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), sau đại dịch, chắc chắn các hoạt động thương mại điện tử tiếp tục có cơ hội phát triển. Do đó, các doanh nghiệp cần tranh thủ thời gian để xây dựng thương hiệu, cải tiến quy trình kinh doanh, thực hiện các giao dịch có trách nhiệm và chăm sóc khách hàng chu đáo.

Đưa ra khuyến nghị với các doanh nghiệp, ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời tăng cường sự chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược kinh doanh hậu Covid-19 để kịp thời nắm bắt những cơ hội khi nền kinh tế phục hồi, trong đó có việc tận dụng tốt các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký với các nước đối tác để khôi phục, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư.

Phó Chủ tịch VCCI đã cho rằng, thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường đều là những doanh nghiệp đã và đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng của dịch Covid-19.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều