Bảo đảm cho hàng hóa xuất khẩu, cần tăng tính kỷ luật trong đánh giá sự phù hợp

(HQ Online) - Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu không bảo đảm tính độc lập, khách quan của dịch vụ đánh giá sự phù hợp thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
4 địa phương xuất khẩu 4 địa phương xuất khẩu "chục tỷ đô"
Ngành chế biến lương thực, thực phẩm  TP Hồ Chí Minh lạc quan về xuất khẩu Ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh lạc quan về xuất khẩu
Doanh nghiệp thủy sản tuân thủ quy định xuất khẩu vào EU Doanh nghiệp thủy sản tuân thủ quy định xuất khẩu vào EU

Quản chặt để tránh chồng chéo

Theo quy định, hàng hóa nhóm 2 là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

Góp ý đối với Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá (sửa đổi) của Bộ Khoa học và Công nghệ, trên cơ sở ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội, VCCI cho rằng, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá hiện đang quy định thẩm quyền ban hành danh mục hàng hoá nhóm 2 thuộc về các bộ. Nhưng qua 15 năm triển khai, việc ban hành danh mục hàng hoá nhóm 2 có nhiều bất cập.

Theo VCCI, thứ nhất là, tình trạng các danh mục hàng hoá nhóm 2 của các bộ có sự giao thoa, chồng chéo khiến cho cùng một mặt hàng của doanh nghiệp phải chịu sự quản lý của nhiều bộ, phải thực hiện nhiều lần kiểm tra. Điều này xuất phát từ lỗ hổng của pháp luật là không có một cơ chế và thiết chế nhằm kiểm soát quyền của các bộ.

“Chính phủ đã nhiều lần phải thúc giục các bộ ngồi lại với nhau để xác định mỗi mặt hàng chỉ có một cơ quan kiểm tra. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn thiếu cơ sở pháp lý, do đó tình trạng chồng chéo vẫn diễn ra”, báo cáo của VCCI nhấn mạnh.

Thứ hai là, tình trạng một số bộ lạm dụng đưa vào danh mục hàng hoá nhóm 2 nhiều loại hàng hoá không cần thiết phải kiểm tra.

Ví dụ, theo VCCI, báo cáo tổng kết thi hành cho thấy, trong 3 năm từ 2019 đến 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra 72.141 lô hàng và phát hiện 18 trường hợp vi phạm. Tỷ lệ vi phạm chỉ là 0,025% số lô hàng.

Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh việc kiểm tra này vẫn chưa được tích hợp trên Cổng một cửa quốc gia, doanh nghiệp vẫn phải làm bản giấy với chi phí rất lớn, nhiều trường hợp phải phá huỷ mẫu hoặc gửi mẫu ra nước ngoài kiểm tra. Trong nhiều trường hợp, chi phí của việc kiểm tra chất lượng hàng hoá nhóm 2 lớn hơn so với rủi ro ngăn chặn được.

Thứ ba là, tình trạng đưa hàng hoá vào danh mục nhóm 2 quá dễ dàng dẫn đến sự tuỳ tiện và nhiều bất cập khi thực thi. Báo cáo tổng kết thi hành cũng chỉ ra tình trạng nhiều hàng hoá được đưa vào danh mục nhóm 2 nhưng không có mã HS đi kèm, không có quy chuẩn kiểm tra.

VCCI dẫn chứng, có trường hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung keo dán gỗ vào danh mục hàng hoá nhóm 2 nhưng đến ngày có hiệu lực vẫn không chỉ định đơn vị đánh giá sự phù hợp.

Doanh nghiệp luôn cần đảm bảo về chất lượng hàng hóa trong xuất khẩu. Ảnh: H.Diu
Doanh nghiệp luôn cần đảm bảo về chất lượng hàng hóa trong xuất khẩu. Ảnh: H.Dịu

Với những lý do nêu trên, VCCI cho rằng, việc ban hành danh mục hàng hoá nhóm 2 cần có biện pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát. Danh mục này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vì nó ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

VCCI cũng nêu, việc các danh mục được ban hành ở cấp Thông tư, với trình tự thủ tục dễ dàng, ít được trao đổi, thảo luận, không được đánh giá tác động, không có kiểm soát về thủ tục hành chính nên gây ra những bất cập nêu trên, do đó cần nâng lên cấp nghị định của Chính phủ. Cơ chế này sẽ giúp danh mục này được thảo luận giữa các bộ và sẽ không còn tình trạng chồng chéo. Trình tự thủ tục ban hành nghị định cũng chặt chẽ hơn, qua đó nâng cao chất lượng của quy định này.

Tăng kỷ luật, khách quan trong đánh giá sự phù hợp

Một vấn đề khác trong góp ý, VCCI cho hay, đề xuất chính sách về phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia là hết sức cần thiết. Trong hạ tầng chất lượng quốc gia này, dịch vụ đánh giá sự phù hợp là một quá trình kiểm tra xem sản phẩm, dịch vụ, nguyên liệu, quy trình, hệ thống và con người có đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn hay những chỉ tiêu kỹ thuật khác không.

Theo Global Quality Infrustructure Index, chỉ số hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam hiện nay đứng thứ 51 thế giới. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam xếp thứ 19 thế giới.

Nên VCCI cho rằng, hạ tầng chất lượng quốc gia hiện đang tụt hậu, chưa đáp ứng được sự phát triển kinh tế của đất nước. Do vậy, ngoài việc đầu tư cho trang thiết bị, nhân lực, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thì cần lưu ý chú trọng xây dựng thể chế và kỷ luật thị trường.

Nhưng theo VCCI, vẫn còn có tình trạng các đơn vị đánh giá sự phù hợp hoạt động chưa thực sự nghiêm túc, chưa bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực trong hành nghề. Tình trạng doanh nghiệp trả chi phí không chính thức hoặc các biện pháp khác để tác động vào kết quả đánh giá sự phù hợp vẫn còn tồn tại.

“Điều này không chỉ gây nguy hại khi hàng hoá không bảo đảm an toàn, chất lượng được đi ra thị trường, mà về lâu dài có thể làm mất uy tín của các tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam. Nếu kết quả đánh giá của các tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam không được người mua ở nước nhập khẩu công nhận thì hàng hoá của Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu. Nhà xuất khẩu có thể sẽ phải thuê các tổ chức đánh giá sự phù hợp của nước ngoài hoặc mời người từ nước ngoài về đánh giá với chi phí cao và mức độ sẵn có thấp”, báo cáo của VCCI nêu.

Do vậy, VCCI đề nghị cần thiết phải tăng cường kỷ luật, tính độc lập, khách quan, trung thực trong dịch vụ đánh giá sự phù hợp.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều