Tận dụng CPTPP: Bứt phá từ các thị trường chưa có FTA

(HQ Online) - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam gần 2 năm, tăng trưởng XK rõ rệt nhất chủ yếu thấy được từ các thị trường trước đó Việt Nam chưa có FTA là Mexico, Chile, Peru. Đây tiếp tục là những thị trường dư địa lớn mà hàng Việt có thể bứt phá XK trong thời gian tới.
Chưa tận dụng hết cơ hội từ các FTA
Việt Nam cần tận dụng tốt dòng vốn FDI
Xử lý tiền thuế nộp thừa theo Hiệp định CPTPP
Khấp khởi với EVFTA, đừng lơ là CPTPP
Dệt may là mặt hàng thế mạnh điển hình tăng trưởng XK sang thị trường các nước CPTPP. 	Ảnh: N.Thanh
Dệt may là mặt hàng thế mạnh điển hình tăng trưởng XK sang thị trường các nước CPTPP. Ảnh: N.Thanh

Xuất siêu ấn tượng

Hiệp định CPTPP chính thức được phê chuẩn vào ngày 30/12/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019. Theo Bộ Công Thương, sau hơn 1 năm có hiệu lực đối với Việt Nam, năm 2019, tổng giá trị thương mại hai chiều của Việt Nam với Mexico, Chile, Peru đạt 5,12 tỷ USD, trong đó XK của Việt Nam sang ba thị trường này đạt 4,11 tỷ USD, tăng tới 26,76% so với năm 2018.

Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) đánh giá, đây là những thị trường mà Việt Nam xuất siêu cao nhất tại khu vực Mỹ Latinh, với tổng giá trị thặng dư thương mại đạt hơn 3 tỷ USD. Tăng trưởng XK ghi nhận lần lượt tại các thị trường Mexico (26,3%), Chile (20,3%) và Peru (36,4%).

Trong năm 2020, mặc dù chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19, song XK sang 3 thị trường này vẫn đạt 3,74 tỷ USD trong 10 tháng năm 2020, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tăng trưởng ghi nhận ở cả Mexico (8,6%) và Chile (0,7%). Những mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam XK sang các thị trường này là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ, điện thoại linh kiện các loại,..

Nói tới cơ hội và triển vọng XK sang thị trường Mexico, ông Lưu Vạn Khang, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico cho biết, Mexico là thị trường đầy tiềm năng cho thuỷ sản Việt. Đơn cử như, cá đông lạnh, tôm là mặt hàng được hưởng thuế suất 0% kể từ năm thứ 3 CPTPP có hiệu lực. Hàng năm, Mexico NK khoảng 351 triệu USD cá đông lạnh. Mặt khác, Mexico còn là thị trường "dễ tính" với dân số đông, sức tiêu thụ mạnh nên DN Việt cần chú ý đến yếu tố về giá. Đối với mặt hàng tôm, hiện Mexico đang có lệnh cấm NK tôm từ một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. “Khi lệnh cấm được xóa bỏ, chắc chắn với thế mạnh về giá và chất lượng, Việt Nam có nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường khi mức thuế hiện tại cho nhóm hàng này là khoảng 20%”, ông Lưu Vạn Khang nhấn mạnh.

Tương tự, hàng Việt cũng còn nhiều cơ hội thúc đẩy XK sang thị trường Chile thời gian tới. Bà Sải Thị Thu Thủy, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Chile phân tích: “Các ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng không phải là thế mạnh của Chile và không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân nước này. Hàng năm, Chile phải NK trên 16 tỷ USD hàng tiêu dùng. Do vậy, các mặt hàng XNK giữa Việt Nam và Chile chủ yếu mang tính bổ sung, không cạnh tranh lẫn nhau".

Nhà nước và DN "chung tay"

Cơ hội mở ra từ các FTA thế hệ mới như CPTPP khá lớn nhưng thách thức đi kèm cũng không nhỏ. Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đánh giá: “Các FTA thế hệ mới như CPTPP và FTA Việt Nam-EU (EVFTA) đặt ra yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn. Không thể phủ nhận, tham gia vào các FTA này, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan (mức cao nhất lên đến 99% số dòng thuế). Tuy nhiên song song với điều này, xu hướng bảo hộ, việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, bảo vệ môi trường ngày càng cao. Các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa NK tại thị trường các nước tham gia FTA với Việt Nam sẽ có xu hướng gia tăng. Đây là thách thức lớn đối với DN, ảnh hưởng tới khả năng tận dụng thuế quan”.

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ chia sẻ thêm, mặc dù có nhiều cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư thông qua việc tận dụng các ưu đãi của CPTPP song do địa lý xa xôi, rào cản ngôn ngữ khiến nhiều DN Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường và nắm bắt cơ hội. Để gia tăng XK sang các thị trường này, nhất là Mexico, Chile, Peru, DN Việt cần tìm hiểu thị trường để đánh giá nhu cầu đối với sản phẩm của mình, xác định lợi thế cạnh tranh; nghiên cứu kỹ các quy định về NK hàng hóa, thuế, thủ tục hải quan, đồng thời lựa chọn phương thức thâm nhập thị trường XK phù hợp và tìm kiếm đối tác tin cậy.

Xung quanh câu chuyện tận dụng các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ quan điểm, bên cạnh việc tuyên truyền hiểu biết DN về các FTA, thì Chính phủ cần “chung tay” với DN trong cải cách thể chế, nhanh chóng luật hóa các cam kết để tạo thuận lợi cho DN. Đối với các DN, điều cần thiết là nâng cao trình độ quản trị, đa dạng hóa thị trường, xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro... Thực tế cho thấy, một số DN mới chỉ quan tâm đến thuế suất, mã hàng hóa. Trong khi còn nhiều vấn đề phi thuế quan khác cần quan tâm. Nếu không nhanh chân chớp lấy cơ hội thì DN Việt Nam khó cạnh tranh được với các nước khác.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Cảng Chu Lai: Kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Cảng Chu Lai: Kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Với mục tiêu đưa cảng Chu Lai trở thành trung tâm kết nối logistics, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong nước, Công ty Giao nhận Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối hoạt động giao nhận vận chuyển đường bộ - cảng biển - đường biển, tối ưu hóa chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản.
Ứng dụng công nghệ AI, sản phẩm của TECHPRO nhận giải thưởng Sao Khuê 2024

Ứng dụng công nghệ AI, sản phẩm của TECHPRO nhận giải thưởng Sao Khuê 2024

(HQ Online) - Bằng việc áp dụng các công nghệ mới từ trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện khuôn mặt… sản phẩm giải pháp quản lý sảnh Smart Visitor Meeting Solution (VIME) của Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ TECHPRO đã vinh dự nhận giải thưởng Sao Khuê 2024 tại hạng mục Quản trị doanh nghiệp.

Đọc nhiều