Ngành CNTT – Viễn thông năm 2022: "Điểm trừ" không lấn át được "điểm cộng"

(HQ Online) - Trong báo cáo được đưa ra ngày 05/7/2022 nhân dịp công bố danh sách Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2022, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam chỉ ra dịch Covid-19 vẫn đang là điểm trừ lớn của ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông năm 2022, tuy nhiên “điểm trừ” vẫn không lấn át được “điểm cộng” của ngành này.

“Điểm cộng” đầy tích cực

Theo kết quả khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), tất cả các doanh nghiệp và chuyên gia được hỏi đều nhận định triển vọng 6 tháng cuối năm 2022 ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông sẽ tiếp tục tăng trưởng, trong đó có 61,1% cho rằng tăng trưởng mạnh mẽ.

Ngành CNTT – Viễn thông năm 2022:
Chỉ số niềm tin tăng trường ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông được cải thiện qua từng năm. Nguồn Vietnam Report

Nhận định này được đưa ra dựa trên tình hình khả quan trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, năm 2021, tổng doanh thu ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông đạt 136,153 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam trong năm 2021 đạt 64.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2020. Về doanh thu ngành Công nghệ – Viễn thông 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 57 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, nỗ lực và quyết tâm cao độ của Chính phủ trong việc thúc đẩy “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030” được coi là một xung lực quan trọng đối với tăng trưởng ngành trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, báo cáo của Vietnam Report cũng chỉ ra top 3 cơ hội cho ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông trong thời gian tới. Đó là dịch Covid-19 bùng phát đã tạo cú hích mạnh mẽ cho xu hướng chuyển đổi số được nhen nhóm trước đó, đặc biệt là trong năm 2021 với sự tăng trưởng vượt trội 29,7% so với năm 2020 và trở thành xu thế tất yếu trong năm 2022 khi dịch có dấu hiệu lắng xuống.

Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine đạt ở mức cao giúp cho kinh tế Việt Nam từng bước “thích ứng” an toàn, linh hoạt, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Công nghệ thông tin – Viễn thông nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung tăng tốc chuyển đổi số.

Ngoài ra, tỷ lệ người dùng Internet và các sản phẩm, thiết bị, dịch vụ công nghệ ở mức cao so với thế giới vẫn là một trong những cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế số khi mà dự báo các dịch vụ Mobile data đang trong giai đoạn tăng trưởng đến năm 2025.

Thách thức từ những “điểm trừ “

Bên cạnh những thuận lợi, ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông cũng đối diện không ít khó khăn. Khảo sát của Vietnam Report cho biết, 72,2% số chuyên gia và doanh nghiệp được hỏi cho biết gặp khó khăn vì thủ tục hành chính phức tạp; 66,7% thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và 55,6% gặp nhiều giới hạn trong nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ.

Ngành CNTT – Viễn thông năm 2022:
Các thách thức và cản trở vẫn còn đối với các doanh nghiệp Công nghệ thông ti - Viễn thông. Nguồn Vietnam Report

Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia và doanh nghiệp công nghệ chỉ ra rằng, thủ tục hành chính có xu hướng gia tăng trong 3 năm trở lại đây là do tốc độ phát triển nhanh của công nghệ số đã tạo ra các loại hình dịch vụ mới trong môi trường công nghệ trong khi các bộ luật không theo kịp thực tiễn, không phù hợp trong công tác thực thi, gây ra những bất cập, khó khăn cho các doanh nghiệp.

Trong hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) sản phẩm công nghệ, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn đầu tư mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp coi đây là khó khăn hàng đầu đã giảm đáng kể từ mức 33,3% vào năm 2020 xuống 23,5% vào năm 2021 và chỉ còn 16,7% vào năm 2022. Bên cạnh đó, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ tại Việt Nam (cả khu vực nhà nước và tư nhân) chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%) và Thái Lan (0,78%)...

Một điểm trừ khác đầy thách thức là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên hoạt động sản xuất kinh doanh ngành công nghệ đang có chiều hướng tăng trở lại. Bằng chứng là việc theo đuổi chính sách Zero-Covid của Trung Quốc trong bối cảnh các biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn đã khiến cho tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ngày một nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, Trung Quốc là công xưởng hàng đầu thế giới về gia công phần mềm và sản xuất linh kiện điện tử. Quốc gia hơn 1,4 tỷ dân này cũng là một thị trường tiêu thụ hấp dẫn đối với bất cứ doanh nghiệp công nghệ nào. Do vậy, tỷ lệ doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ lo ngại về những thách thức do đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ rối loạn đã tăng đến 44,4% trong năm 2022 mặc dù đã giảm xuống 35,3% của năm 2021 từ mức 55,6% trong năm 2020.

Để khắc phục các hạn chế này, ngoài các nguyên nhân khách quan, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp công nghệ cần phải ưu tiên 5 vấn đề trong chiến lược phát triển của mình. Đó là: tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (88,3%), nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác (88,3%), tăng cường hoạt động R&D (77,8%), nâng cao uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trên truyền thông (55,6%) và cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng (61,1%). Ngoài ra, cũng cần bám sát xu hướng phát triển của ngành trong thời gian tới, đó là dịch vụ dựa trên điện toán đám mây; trí tuệ nhân tạo; internet vạn vật; công nghệ 5G; thị trường Internet băng thông rộng cố định; chuỗi khối (Blockchain).

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Ứng dụng công nghệ AI, sản phẩm của TECHPRO nhận giải thưởng Sao Khuê 2024

Ứng dụng công nghệ AI, sản phẩm của TECHPRO nhận giải thưởng Sao Khuê 2024

(HQ Online) - Bằng việc áp dụng các công nghệ mới từ trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện khuôn mặt… sản phẩm giải pháp quản lý sảnh Smart Visitor Meeting Solution (VIME) của Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ TECHPRO đã vinh dự nhận giải thưởng Sao Khuê 2024 tại hạng mục Quản trị doanh nghiệp.

Đọc tiếp

Tiếp tục "tranh cãi" về khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu

Tiếp tục "tranh cãi" về khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu

(HQ Online) - Trong văn bản lần thứ 3, tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam chiếm 85% thị phần toàn ngành đã tiếp tục phản đối việc nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng theo lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát (HPG), việc này nhằm ủng hộ sản xuất trong nước.

Đọc nhiều