Lãi suất cho vay đang dần "hạ nhiệt"

(HQ Online) - Cùng với xu hướng hạ nhiệt của lãi suất huy động, một số ngân hàng đã công bố các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất cho vay.
Lợi nhuận doanh nghiệp bị "bào mòn" vì lãi suất quá cao
Ngân hàng đồng thuận giảm thêm lãi suất huy động nhằm hạ lãi suất cho vay
Các “ông lớn” bất động sản kiến nghị được cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay
lãi suất của Việt Nam hiện nay đang ở mức đỉnh và trên đà đi xuống.
Theo các chuyên gia, lãi suất của Việt Nam hiện nay đang ở mức đỉnh và trên đà đi xuống. Ảnh: ST

Đồng loạt tung gói tín dụng ưu đãi

Nắm bắt nhu cầu vốn nhanh đáp ứng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mới đây, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã tung ra gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, ưu đãi lãi suất tới 2% nhằm hỗ trợ toàn bộ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đã chủ động xây dựng chính sách tài trợ chuỗi cung ứng, hỗ trợ cá nhân kinh doanh tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất cạnh tranh. Theo đó, MB đã triển khai chương trình vay dành cho cá nhân kinh doanh với lãi suất ưu đãi chỉ từ 0,7%/tháng, tương đương 8,5%/năm, được áp dụng ngay từ thời điểm giải ngân. Ngoài ra, MB sẽ triển khai chương trình giảm lãi suất vay kinh doanh cho các khách hàng có duy trì số dư tài khoản thanh toán bình quân trong tháng tốt tại tài khoản MB, mức giảm tối đa 1%.

Theo MB, năm 2023, thay vì đẩy lãi suất cho vay cao để tăng lợi nhuận, ngân hàng sẽ tập trung giảm chi phí vốn, đẩy mạnh tiền gửi không kỳ hạn (CASA), tối ưu chi phí hoạt động, quản lý chất lượng tài sản để giảm chi phí dự phòng. Điều này vẫn bảo đảm ngân hàng có lợi nhuận tốt và khách hàng không phải chịu lãi suất quá cao.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vốn để thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tung gói ưu đãi 3.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm cho các khoản vay ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh…

Các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cũng đã đồng loạt tung ra các chương trình tín dụng ưu đãi. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) công bố triển khai gói ưu đãi lãi suất quy mô 10.000 tỷ đồng, áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa lần đầu vay vốn hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023.

Đến hết tháng 4/2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai gói vay ngắn hạn với quy mô 30.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc chỉ từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6-12 tháng.

Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã công bố giảm tối đa 3% lãi suất cho khách vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 hoặc do ảnh hưởng bởi biến động bất lợi của tình hình kinh tế vĩ mô. Dự kiến trong năm 2023, Agribank tiếp tục dành hơn 100.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh…

Riêng với lĩnh vực bất động sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN đã họp với các ngân hàng thương mại nhà nước. Các ngân hàng này đồng ý dành một gói tín dụng cho bất động sản trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Lãi suất giảm nhưng phải tăng khả năng tiếp cận vốn

Có thể thấy, động thái của các ngân hàng như trên là rất đáng mừng trong bối cảnh doanh nghiệp phải chịu lãi suất cao nhiều tháng qua. Trong các phiên họp Chính phủ, Thủ tướng luôn luôn đưa ra yêu cầu NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, Việt Nam có dư địa giảm lãi suất do lạm phát của Việt Nam đang ở vùng tương đối thấp. Hơn nữa, năm 2023, dự kiến Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ tăng lãi suất 2 lần, sau đó sẽ dừng lại, do vậy, sức ép để Việt Nam tăng lãi suất bao gồm lạm phát và lãi suất từ bên ngoài rất ít. Vì thế, vị chuyên gia này đánh giá, lãi suất của Việt Nam hiện nay đang ở mức đỉnh và trên đà đi xuống.

Đồng quan điểm, các chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDirect cũng kỳ vọng lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh vào quý 1/2023 và hạ nhiệt kể từ quý 2/2023. Hơn nữa, NHNN cũng nỗ lực hạ lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng việc các ngân hàng có lãi suất cho vay thấp hơn sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn các ngân hàng khác. Do đó, VNDirect cho rằng sẽ có ngân hàng chủ động giảm một phần biên lãi ròng (NIM) để có thể nhận được hạn mức phân bổ tín dụng cao hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, vấn đề của doanh nghiệp không chỉ nằm ở lãi suất cao. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp có thể vay vốn được từ hệ thống tổ chức tín dụng có xu hướng giảm trong thời gian qua. Nếu như năm 2017 có 49,37% doanh nghiệp tham gia khảo sát tiếp cận được vốn từ các tổ chức tín dụng thì con số này đã liên tục giảm qua các năm. Đơn cử như năm 2021, chỉ còn 35,41%.

Do đó, VCCI đề nghị cần sửa đổi các chính sách về tổ chức tín dụng theo hướng thúc đẩy cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng để thu hút khách hàng và mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

(HQ Online) - SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với năm 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.

Đọc tiếp

Techcombank thông qua mục tiêu lợi nhuận 27.100 tỷ đồng, tăng gấp đôi vốn điều lệ

Techcombank thông qua mục tiêu lợi nhuận 27.100 tỷ đồng, tăng gấp đôi vốn điều lệ

(HQ Online) - Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vào ngày 20/4, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho biết, Techcombank cũng đang xem xét tìm kiếm nhà đầu tư, đối tác chiến lược để tìm cơ hội gia tăng lợi ích cho cổ đông.
Cảng Chu Lai: Kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Cảng Chu Lai: Kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Với mục tiêu đưa cảng Chu Lai trở thành trung tâm kết nối logistics, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong nước, Công ty Giao nhận Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối hoạt động giao nhận vận chuyển đường bộ - cảng biển - đường biển, tối ưu hóa chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản.

Đọc nhiều