Doanh nghiệp ở Hải Dương chủ động gỡ khó trong thời gian cách ly

(HQ Online) - Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã gặp khó khăn trong khâu phân phối, nhập nguyên phụ liệu. Vì thế, các doanh nghiệp đã phải lên phương án khắc phục, chủ động khôi phục sản xuất.
Hải quan Hưng Yên hỗ trợ đồng nghiệp tại Hải Dương chống dịch
Hải quan Hải Phòng: Công chức ở Hải Dương và vùng dịch được làm việc từ xa
100% CBCC, người lao động Hải quan Hải Dương ở lại trụ sở để phòng dịch Covid-19
Thêm ca mắc Covid-19 tại Hải Dương, Hải Phòng cách ly một bệnh viện phòng chống dịch
Doanh nghiệp ở Hải Dương chủ động gỡ khó trong thời gian cách ly
Chốt kiểm dịch tại cổng ra vào của Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch. Ảnh: Vicem Hoàng Thạch

Thiếu lao động, lưu thông hạn chế

Chia sẻ với báo chí, đại diện Công ty TNHH Camex Việt Nam (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) cho biết, doanh nghiệp chuyên sản xuất các linh phụ kiện công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm cơ khí cho gần 100 doanh nghiệp trên cả nước và cả xuất khẩu. Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp sản xuất được 30-40 triệu sản phẩm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, không chỉ thiếu hụt số lượng lớn công nhân tại các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, doanh nghiệp còn khó khăn trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa do Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội, lại chịu sự hạn chế đi lại của các địa phương lân cận.

Trong ngày 22/2, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản đề nghị UBND TP Hải Phòng sớm tạo điều kiện cho nông sản của Hải Dương được lưu thông vào Hải Phòng để kịp thời xuất khẩu.

Trước đó, UBND tỉnh đã có văn bản số 558/UBND-VP ngày 21/2 gửi tới UBND TP Hải Phòng đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Hải Dương, thống nhất tạo điều kiện cho việc trung chuyển hàng hóa để giảm bớt các điều kiện, thủ tục trên nguyên tắc bảo đảm phòng chống dịch. Trong đó, Hải Dương đề nghị đối với hàng hóa chở bằng xe đầu kéo có thể đổi đầu kéo và lái xe đi từ Hải Dương bằng đầu kéo và lái xe từ Hải Phòng...

Hiện nay, Hải Dương đang trong thời kỳ thu hoạch rộ rau màu vụ đông cùng hàng nghìn tấn thực phẩm đang bảo quản trong kho cấp đông... Dự kiến từ nay đến cuối tháng 2, 80% lượng nông sản sẽ xuất khẩu qua cảng Hải Phòng đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan… theo hợp đồng đã ký kết. UBND tỉnh Hải Dương đánh giá, việc giao hàng không đúng hợp đồng không những gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với nông dân, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới uy tín của hàng nông sản Việt Nam.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng chia sẻ về việc không có lao động làm việc, khiến nhà xưởng phải dừng hoạt động, hoặc không có nguyên phụ liệu để sản xuất, hoặc hàng hóa không thể di chuyển do các lệnh giãn cách, cách ly nghiêm ngặt của địa phương.

Đặc biệt, tại “ổ dịch” là Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam ở Khu công nghiệp Cộng Hòa (TP Chí Linh), các hoạt động sản xuất đều bị đình trệ. Doanh nghiệp này đã gửi kiến nghị lên UBND tỉnh, do còn tồn khoảng 1 container thành phẩm, phải được xuất khẩu cho khách hàng vào ngày 28/2 theo hợp đồng đã ký kết. Nhưng dù công ty đã mở tờ khai, hàng hóa đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng do lệnh cách ly nên hoạt động xuất khẩu bị đình trệ, khiến Công ty lo ngại sẽ phải đền bù hợp đồng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh cũng như uy tín của doanh nghiệp.

Kịp thời, chủ động

Hiểu được nỗi lo này của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cũng đã cố gắng tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn được hoạt động bình thường. Như trường hợp của Công ty POYUN Việt Nam, UBND tỉnh đã đồng ý với đề nghị về việc xuất khẩu lô hàng thành phẩm còn tồn, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan phải phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty này xuất khẩu lô hàng và phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo quy định. Mới đây nữa, UBND tỉnh cũng đã đồng ý cho nhà máy của Công ty POYUN Việt Nam tại khu công nghiệp Phú Thái hoạt động trở lại khi đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch.

Có thể nói, các cấp ngành đang quyết liệt vào cuộc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hoạt động trở lại, hàng hóa được thông thương bình thường. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết sẽ yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ nông sản, tham mưu các cách thức vận chuyển hàng hóa bảo đảm an toàn phòng dịch để Hải Dương thống nhất với TP Hải Phòng, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản. Vị này cũng khẳng định Hải Dương đang ưu tiên đẩy nhanh việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các lái xe của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa.

Cùng với sự hỗ trợ của địa phương, các doanh nghiệp cũng đang chủ động tìm phương án để phòng chống dịch hiệu quả. Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch (thị xã Kinh Môn) đã yêu cầu các đơn vị kích hoạt lại hệ thống phòng, chống dịch Covid-19; triển khai xét nghiệm, cách ly y tế những người đã tiếp xúc với trường hợp F0 tại Công ty. Cùng với đó, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, sắp xếp lao động nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Vicem Hoàng Thạch đã luôn bám sát kế hoạch điều hành sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Vicem, duy trì sản xuất kinh doanh ổn định. Nhờ đó, các chỉ tiêu chính như: Sản xuất clinker, tiêu thụ xi măng, clinker, thời gian chạy lò của Công ty đều đạt kế hoạch đề ra. Tính đến ngày 17/2/2021, tổng sản lượng sản xuất clinker đạt 434.000 tấn, xi măng đạt 399.600 tấn, sản lượng tiêu thụ xi măng đạt 425.400 tấn, clinker đạt 87.600 tấn.

Tương tự, để khắc phục khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, Công ty TNHH Camex Việt Nam cho biết đã hoàn thiện các thủ tục để chuyển hàng hóa đến chốt kiểm soát dịch giáp Hải Phòng và thuê xe vận chuyển tiếp ra cảng biển. Đối với hàng hóa chưa cần giao ngay, Công ty đã đầu tư xây dựng thêm nhà kho để lưu trữ, chờ khi nào tình hình tạm ổn sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục xuất khẩu, giao nhận.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

(HQ Online) - Hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, nhưng với xu thế về phát triển bền vững, các doanh nghiệp mong muốn KCN được đầu tư phát triển thành hệ sinh thái, cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường cũng như có sự liên kết giữa các doanh nghiệp.
Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

(HQ Online) - Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã nhập khẩu 2,65 triệu tấn sắt thép các loại, tăng 85,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thép là vấn đề còn gây tranh cãi.

Đọc nhiều