Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, hạn chế đầu tư do khó khăn về vốn

(HQ Online) - Một khảo sát vừa được Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM thực hiện trong tháng 2/2023 với hơn 100 doanh nghiệp đã cho thấy có tới 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, hạn chế đầu tư do khó khăn về vốn
Đơn hàng giảm mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ rất cần nguồn vốn lãi suất thấp để giữ chân khách hàng, giữ thị trường

Trong đó, vốn và lãi suất tiếp tục là vấn đề lớn gây khó khăn cho các doanh nghiệp, với 40% doanh nghiệp kêu khó tiếp cận nguồn vốn; 43% cho biết lãi suất vay cao và 38,2% doanh nghiệp cho biết thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Ngoài ra còn có những khó khăn về thị trường bị thu hẹp, hàng tồn kho nhiều, giá nguyên liệu đầu vào tăng…

Các ngành đều khó

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may khó khăn do ảnh hưởng lãi suất tăng cao và tỷ giá USD đang biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu, dẫn đến sức ép giảm lợi nhuận năm 2023. Mặt khác, do lãi suất ngân hàng quá cao nên doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua giai đoạn này và hạn chế đầu tư trong năm nay.

Đối với ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ, đơn hàng vẫn tiếp tục giảm mạnh, dự kiến còn giảm đến hết quý 2/2023 với mức giảm khoảng 50-60%. Nguyên nhân do thị trường châu Âu, Mỹ sụt giảm tiêu thụ, người dân, doanh nghiệp trong nước hạn chế mua sắm, xây dựng công trình hoặc hoạt động sửa chữa. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm hoạt động cần ứng trước chi phí trả trước mùa vụ, nguồn cung dự trữ trong khi áp lực đầu vào tăng cao. Doanh nghiệp cần vay vốn với mức lãi suất phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp để giữ chân khách hàng, giữ thị trường và góp phần thúc đẩy nên kinh tế phục hồi tốt hơn.

Trong lĩnh vực bất động sản, theo ông Hưng, thị trường đang thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới, thị trường gần như đóng băng; một số lượng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đáo hạn gây áp lực lên thị trường bất động sản. Kim ngạch xuất khẩu của ngành vật liệu xây dựng sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khu nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng ế ấm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng sụt giảm do đầu tư công và dự án bất động sản đóng băng, doanh nghiệp nợ lẫn nhau…

Kiến nghị khống chế trần lãi vay ở mức 8-8,5%

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM đã có văn bản báo cáo UBND TPHCM, trong đó nêu lên nhiều kiến nghị. Cụ thể, hiện hệ thống ngân hàng siết chặt các điều kiện cho vay với mức an toàn cao cho ngân hàng như: định giá tài sản thế chấp thấp, tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản thế chấp bị kéo xuống mức thấp, yêu cầu bổ sung tài sản thế chấp đối với các hợp đồng đã cho vay. Bên cạnh đó, lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện lãi suất vay hầu hến đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay. Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM kiến nghị NHNN cần khống chế trần lãi suất, giữ mức lãi suất cho vay khoảng 8-8,5%.

Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cũng kiến nghị cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ 2021. Theo đó, thời gian của hợp đồng vay cũng được kéo dài thêm tương ứng với thời gian ân hạn mà không làm thay đổi số tiền phải trả từng kỳ theo lịch trả nợ trước đó. Điều này sẽ giảm áp lực trả nợ so với yêu cầu phải chia đều nợ phải trả theo Thông tư 01/2022/NHNN-TT của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM kiến nghị ngân hàng thương mại đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, quan tâm cơ cấu nợ, giữ nhóm nợ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Về phía NHNN, cần sớm có hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội thủ tục vay vốn từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng…/.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

(HQ Online) - SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với năm 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.

Đọc nhiều