ABBank lên kế hoạch chuyển sàn giao dịch, tăng vốn điều lệ

(HQ Online) - Ban lãnh đạo ABBank cho biết ngân hàng có cơ sở để chia cổ tức bằng tiền mặt trong tương lai và vẫn còn dư địa để đẩy mạnh cho vay bất động sản.
Ngân hàng “rộn ràng” chia cổ tức “giấy”: Ai thiệt, ai lợi?
Ngân hàng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý 2
Dịch vụ Nộp thuế Hải quan điện tử 24/7 của ABBANK: Nộp tiền đơn giản, nhanh chóng

Sáng 20/4, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của ABBank.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của ABBank.

Chia cổ tức 10% để tăng vốn

Tại ĐHĐCĐ, ban lãnh đao ABBank đã trình cổ đông thông qua một số kế hoạch kinh doanh năm 2022 như: Tổng tài sản tăng 14% lên mức 138.250 tỷ đồng, huy động vốn tăng 18%, tín dụng tăng 17% nhưng có điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép theo từng thời kỳ, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,65%. Qua đó, ABBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 3.079 tỷ đồng, tăng 56% so mức lợi nhuận 1.979 tỷ đồng đã đạt được trong năm 2021.

Một số mục tiêu kinh doanh của ABBank trong năm 2022.
Một số mục tiêu kinh doanh của ABBank trong năm 2022.

Về định hướng kế hoạch phát triển các mảng kinh doanh, ABBank cho biết năm 2022 sẽ tập trung tăng dư nợ cho các sản phẩm vay mua nhà, sản xuất kinh doanh… đối với khách hàng cá nhân.

Tại đại hội, ban lãnh đạo ABBank cũng trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên gần 991 tỷ đồng (để tăng vốn lên 10.400 tỷ đồng) thông qua hai cầu phần. Thứ nhất là phát hành 5 triệu cổ phần theo chương trình ESOP để tăng vốn thêm 50 tỷ đồng. Thứ hai là phát hành thêm 94 triệu cổ phần trả cổ tức 10% bằng cổ phiếu để tăng vốn thêm hơn 940 tỷ đồng.

Với kế hoạch tăng vốn của năm 2022, nếu hoàn tất, ABBank sẽ tiếp tục nâng mức vốn lên hơn 10.400 tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng 2 vừa qua, ABBank đã hoàn thành việc phát hành 244 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 35%; đưa vốn điều lệ ngân hàng từ 6.970 tỷ đồng tăng lên gần 10.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu kém hấp dẫn vì thiếu "sóng"

Đặc biệt, tại ĐHĐCĐ, HĐQT ABBank đã trình cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu ABB của ABBank sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), thay vì sàn UpCom như hiện nay.

Nói về cổ phiếu ABB, cổ đông “phàn nàn” tới HĐQT về việc cổ phiếu này tăng chậm nhưng giảm nhanh nhất ngành. Trả lời chất vấn về vấn đề này của cổ đông, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank cũng thừa nhận cổ phiếu ABB kém hấp dẫn do “không có sóng”, thông tin đưa ra không có nhiều đột biến. Nhưng vị này cho biết, ABBank là ngân hàng tập trung vào nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển an toàn, lành mạnh.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác, theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc ABBank, là do cổ phiếu ABB chưa niêm yết chính thức. Nên khi cổ phiếu này được niêm yết chính thức sẽ sôi động hơn, thanh khoản tăng hơn. Hơn nữa, năm 2022, ABBank sẽ xử lý toàn bộ trái phiếu của VAMC, đồng nghĩa tỷ lệ chia cổ tức sẽ được nới rộng và NHNN sẽ coi đó là cơ sở để cho ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt trong tương lai.

Một vấn đề khác, các cổ đông đặt câu hỏi về việc tiền gửi khách hàng và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại ABBank giảm. Ông Đào Mạnh Kháng cho hay, trong bối cảnh các ngân hàng đều bắt đầu tăng lãi suất để hút tiền gửi, nếu ABBank tăng mạnh sẽ làm tăng chi phí vốn trong khi đầu ra gặp khó khăn dẫn tới giảm hiệu quả chung của toàn bộ ngân hàng. Còn tỷ lệ CASA thấp là tình trạng chung của cả hệ thống, do nhiều khách hàng chuyển vốn tự có sang phục vụ kinh doanh, nhưng nhờ lượng khách hàng truyền thống ngân hàng vẫn duy trì tỷ lệ CASA ở 16% và kế hoạch tăng lên 18% trong năm 2022.

Liên quan đến việc siết tín dụng bất động sản tại một số ngân hàng, lãnh đạo ABBank cho biết, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản tại ngân hàng hiện chiếm 6% tổng dư nợ, cho vay nhà ở chiếm 17% tổng dư nợ.

“Chỉ số cho vay bất động sản được NHNN giám sát rất chặt, chúng tôi được NHNN đánh giá tốt việc kiểm soát cho vay bất động sản, không nằm trong nhóm bị cảnh báo và sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay thời gian tới do vẫn còn dư địa”, ông Nguyễn Mạnh Quân nêu.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Cảng Chu Lai: Kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Cảng Chu Lai: Kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Với mục tiêu đưa cảng Chu Lai trở thành trung tâm kết nối logistics, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong nước, Công ty Giao nhận Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối hoạt động giao nhận vận chuyển đường bộ - cảng biển - đường biển, tối ưu hóa chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản.
Ứng dụng công nghệ AI, sản phẩm của TECHPRO nhận giải thưởng Sao Khuê 2024

Ứng dụng công nghệ AI, sản phẩm của TECHPRO nhận giải thưởng Sao Khuê 2024

(HQ Online) - Bằng việc áp dụng các công nghệ mới từ trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện khuôn mặt… sản phẩm giải pháp quản lý sảnh Smart Visitor Meeting Solution (VIME) của Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ TECHPRO đã vinh dự nhận giải thưởng Sao Khuê 2024 tại hạng mục Quản trị doanh nghiệp.
Tiếp tục "tranh cãi" về khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu

Tiếp tục "tranh cãi" về khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu

(HQ Online) - Trong văn bản lần thứ 3, tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam chiếm 85% thị phần toàn ngành đã tiếp tục phản đối việc nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng theo lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát (HPG), việc này nhằm ủng hộ sản xuất trong nước.

Đọc nhiều