4 đột phá để doanh nghiệp nhà nước trở thành “sếu đầu đàn”

(HQ Online) - Chỉ chiếm khoảng 0,07% số lượng doanh nghiệp cả nước, nhưng doanh nghiệp nhà nước (DNNN)lại đóng góp tới 7% tổng tài sản và 10% tổng vốn trên thị trường. Cùng với đó, khối doanh nghiệp này đang góp phần tạo việc làm cho người lao động, điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn. Tuy nhiên, hiện sự phát triển khu vực doanh nghiệp này đang đặt ra không ít vấn đề như hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.
Tiếp tục điều chỉnh chính sách tài chính, ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn mới: Nên cho phá sản doanh nghiệp càng làm càng lỗ
Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp sẽ chặt chẽ hơn
Hiện khoảng 60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho DNNN, nhưng hiệu quả của các DNNN lại chưa tương xứng  	Ảnh minh họa: ST
Hiện khoảng 60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho DNNN, nhưng hiệu quả của các DNNN lại chưa tương xứng Ảnh minh họa: ST

60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho DNNN

Theo báo cáo của Viện Kinh tế Việt Nam, sau hơn 30 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, tính đến năm 2020, cả nước có khoảng 650 DNNN. Với quá trình đẩy mạnh cổ phần hoá, số lượng DNNN giảm dần, chỉ chiếm khoảng 0,07% số DN cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các DN trên thị trường và hơn 30% GDP, chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng – an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng bảo đảm vai trò của mình trong nền kinh tế, sự phát triển khu vực DNNN đã và đang đặt ra không ít vấn đề như hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. 12 đại dự án “đắp chiếu” là một ví dụ thể hiện rõ sự yếu kém của DN 100% vốn Nhà nước của Việt Nam.

Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện DNNN đóng góp gần 40% GDP, phần còn lại là đóng góp từ DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi đó khoảng 60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho DNNN. Từ những con số trên có thể thấy rõ, khu vực DNNN sử dụng vốn chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ chế quản trị DN còn chậm đổi mới, không phù hợp với thông lệ, tính công khai, tính minh bạch còn hạn chế, sử dụng vốn trong DNNN còn yếu kém; việc ứng dụng công nghệ tiên tiến còn hạn chế. Thời điểm này, phần lớn DN công nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ.

Chưa xứng với tiềm năng

Đồng tình với những quan điểm trên, PGS.TS. Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) lại cho rằng, điểm tắc nghẽn trong cơ chế chính sách phát triển DNNN hiện nay là khung pháp lý thiếu ổn định và không rõ ràng đã kìm hãm đổi mới sáng tạo trong đầu tư phát triển.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một số DNNN quy mô lớn hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế nhưng vẫn chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh do một số những tồn tại, hạn chế. Hiện nay, một số bộ đang được giao quản lý DNNN nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể cơ quan nào có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống DNNN. Hệ thống quản lý, giám sát rườm rà bởi nhiều quy định, không theo kịp với yêu cầu thực tiễn, thiếu hiệu lực và kém hiệu quả.

“DNNN còn thiếu tự chủ, điều này cản trở các DNNN tham gia vào đầu tư mạo hiểm, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của các DN này chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế còn hạn chế. Vấn đề này xuất phát từ việc DNNN chưa phát huy hết tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh.

Phân tích rõ hơn về những mặt còn hạn chế của DNNN, cũng theo ông Nguyễn Đức Trung, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, hiệu quả hoạt động của DNNN trong lĩnh vực này còn rất hạn chế, đóng góp chủ yếu là từ DN tư nhân và doanh nghiệp FDI. Cụ thể như trong ngành điện tử, 95% kim ngạch xuất khẩu đến từ khối DN FDI. Trong ngành dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chiếm vị trí quan trọng nhưng chủ yếu sử dụng lao động phổ thông, tính lan tỏa và giá trị gia tăng không cao, chưa có tác động bền vững đối với môi trường.

Đối với ngành công nghiệp hóa chất, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chủ yếu tập trung vào hóa chất tiêu dùng, chưa thực sự có nhiều ý nghĩa để thực hiện vai trò dẫn dắt, lan tỏa. Đối với ngành thép, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) khả năng cạnh tranh thấp, chi phí sản xuất cao, năng suất thấp. Đối với ngành cơ khí, DNNN hoạt động cũng còn yếu kém. Đơn cử như, Tổng công ty Cơ khí xây dựng, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp đều lỗ. Tổng công ty Máy và Thiết bị nông nghiệp (VEAM) hoạt động hiệu quả không phải do hoạt động sản xuất kinh doanh mà chủ yếu là từ chia lãi liên doanh…

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Đức Trung, cần có 4 giải pháp đột phá nhằm củng cố và phát triển tập đoàn kinh tế, tổng công ty, những DNNN có thể sẽ trở thành “sếu đầu đàn” trong tương lai.

Thứ nhất, đó là tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

Thứ hai, mạnh dạn trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số.

Thứ ba, xác định rõ một cơ quan có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống DNNN.

Thứ tư, tạo cơ chế chính sách để Nhà nước hoặc DNNN tham gia phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, mang tính mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới thông qua việc sử dụng nguồn lực của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước hoặc cùng phối hợp với các DNNN khác…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

(HQ Online) - Hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, nhưng với xu thế về phát triển bền vững, các doanh nghiệp mong muốn KCN được đầu tư phát triển thành hệ sinh thái, cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường cũng như có sự liên kết giữa các doanh nghiệp.

Đọc tiếp

Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

(HQ Online) - Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã nhập khẩu 2,65 triệu tấn sắt thép các loại, tăng 85,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thép là vấn đề còn gây tranh cãi.
Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt mức cao nhất trong các năm

Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt mức cao nhất trong các năm

(HQ Online) - Brand Finance – tổ chức hàng đầu thế giới của Anh vừa công bố Bảng xếp hạng giá trị thương hiệu toàn cầu. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trở thành thương hiệu viễn thông mạnh thứ 2 thế giới, vượt qua nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn như Swisscom (Thụy Sĩ), Jio (Ấn Độ), STC (Ả Rập Xê Út)…

Đọc nhiều